Theo đó, tất cả túi ni lông thuộc loại không thể phân hủy sẽ bị cấm sử dụng tại các thành phố lớn từ đây cho đến hết năm 2020 và mở rộng ra toàn lãnh thổ Trung Quốc vào cuối năm 2022.
Cũng vào giai đoạn cuối năm 2020, ngành dịch vụ nhà hàng ăn uống tại quốc gia tỷ dân này cũng sẽ bị cấm sử dụng ống hút nhựa và phải cam kết giảm 30% số lượng nhựa dùng một lần. Ngoài ra, các khách sạn và dịch vụ lưu trú cũng được thông báo không được sử dụng các vật dụng làm bằng nhựa dùng một lần vào năm 2025.
Bên cạnh đó, việc sản xuất và buôn bán túi ni lông có độ dày ít hơn 0,025mm cũng sẽ bị cấm.
Trung Quốc là đất nước có đông dân nhất thế giới với dân số 1,4 tỷ dân, đồng thời là nguồn tiêu thụ nhựa lớn nhất trên toàn cầu. Điều này dẫn đến lượng rác thải mà người dân Trung Quốc thải ra mỗi ngày là vô cùng lớn và là vấn đề gây đau đầu cho chính quyền tại đây suốt nhiều năm qua.
Động thái mới nhất của chính quyền Trung Quốc không phải là chiến dịch đầu tiên chống sử dụng nhựa. Vào năm 2008, đất nước này đã cấm các nhà bán lẻ, siêu thị không phát túi ni lông miễn phí cho khách hàng, và cấm sản xuất túi ni lông có kích thước siêu mỏng, có nguy cơ gây hại cho môi trường.
Khu vực xử lý rác lớn nhất Trung Quốc có diện tích bằng khoảng 100 sân đá bóng cộng lại, hiện cũng đã quá tải sớm hơn đến 25 năm so với dự kiến.
Rác thải nhựa hiện là một trong những vấn đề gây nhức nhối trên toàn cầu hiện nay. Ảnh: BBC
Theo số liệu từ trung tâm thống kê của Đại học Oxford, chỉ trong riêng năm 2017, Trung Quốc đã thu được lượng rác thải lên đến 215 triệu tấn chỉ tính trong khu vực đô thị và đây là con số rác thải không thể tái sử dụng được. Trước đó vào năm 2010, Trung Quốc tiêu thụ khoảng 60 triệu tấn rác thải nhựa, theo sau là Mỹ với 38 triệu tấn.
Trung Quốc không phải là quốc gia châu Á duy nhất trong cuộc chống rác thải nhựa. Một số nước như Thái Lan, Indonesia, Malaysia và cả Việt Nam cũng đang có những hành động quyết liệt trong công cuộc bảo vệ môi trường trước sự ảnh hưởng tiêu cực khủng khiếp của thói quen tiêu dùng nhựa dùng một lần.