Trung Quốc lần đầu tung hai tàu sân bay vào Thái Bình Dương

VOH - Ngày 10/6, Ngoại trưởng Nhật Bản Takeshi Iwaya thông tin nước này lần đầu tiên phát hiện hai tàu sân bay Trung Quốc “Liêu Ninh và Sơn Đông” cùng lúc hoạt động ở Thái Bình Dương.

Diễn biến chưa từng có này làm dấy lên lo ngại về chiến lược mở rộng sức mạnh quân sự xa bờ của Bắc Kinh, đặc biệt khi các hoạt động diễn ra gần các đảo có chủ quyền của Nhật Bản.

Theo Bộ Quốc phòng Nhật Bản, hai tàu sân bay hoạt động ở hai khu vực riêng biệt tại Thái Bình Dương từ cuối tuần qua. Chiều 7/6, tàu Sơn Đông cùng 4 tàu khác bao gồm một tàu khu trục mang tên lửa, đã tiến vào vùng biển cách đảo Miyako, tỉnh Okinawa khoảng 550km về phía đông nam.

Đến ngày 9/6, các chiến đấu cơ và trực thăng bắt đầu huấn luyện cất - hạ cánh ngay trên tàu sân bay Sơn Đông tại khu vực phía bắc đảo Okinotori thuộc vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Nhật Bản.

tau-san-baytto-17495385820441222790547
Tàu sân bay Sơn Đông (trên) và Liêu Ninh của Trung Quốc - Ảnh: KYODO/BỘ QUỐC PHÒNG NHẬT BẢN

Cùng thời điểm đó, tàu sân bay Liêu Ninh - tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc xuất hiện gần đảo Minamitori, điểm cực đông của Nhật Bản, cách Tokyo gần 1.900km.

 Đây là lần đầu tiên tàu Liêu Ninh tiến vào khu vực này vốn nằm trong chuỗi đảo chiến lược mà Nhật gọi là “chuỗi đảo thứ hai” trải dài từ quần đảo Izu đến đảo Guam.

Kèm theo Liêu Ninh là hai tàu khu trục và một tàu hậu cần, toàn bộ biên đội đã di chuyển khoảng 300km về phía tây nam đảo Minamitori để tiến hành huấn luyện không quân ngoài EEZ của Nhật vào ngày 8/6.

Đáp lại, Nhật Bản lập tức bày tỏ quan ngại và đã liên hệ với Trung Quốc thông qua kênh ngoại giao tại Đại sứ quán Trung Quốc ở Tokyo.

Ngoại trưởng Iwaya khẳng định Tokyo “sẽ có các bước phù hợp nếu cần thiết”. Cùng ngày, Chánh Văn phòng Nội các Yoshimasa Hayashi cho biết Nhật đang giám sát chặt chẽ các hoạt động trên biển của Trung Quốc và nhận định Bắc Kinh đang tìm cách “nâng cao năng lực triển khai nhiệm vụ ở khu vực xa bờ hơn”.

“Chúng tôi sẽ nỗ lực tối đa trong các hoạt động cảnh báo và giám sát trên biển và trên không”, ông Hayashi nhấn mạnh.

Trước phản ứng của Nhật, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lâm Kiến tuyên bố các hoạt động của tàu sân bay Trung Quốc “hoàn toàn phù hợp với luật pháp và thông lệ quốc tế”. Ông cũng khẳng định Bắc Kinh “luôn theo đuổi chính sách quốc phòng mang tính phòng thủ” và kêu gọi Nhật “nhìn nhận vấn đề một cách khách quan và hợp lý”.

Giới phân tích nhận định việc Trung Quốc đồng thời điều động hai tàu sân bay tới khu vực Thái Bình Dương là tín hiệu rõ ràng về sự chuyển dịch chiến lược quân sự, từ phòng vệ gần bờ sang khả năng kiểm soát và tác chiến ở vùng biển xa.

Bình luận