Tiêu điểm: Nhân Humanity

Trung Quốc muốn trả đũa Mỹ nhưng không dám, vì sao?

(VOH) - Trước các đòn trừng phạt liên tục của Mỹ, trong nội bộ Đảng Cộng sản Trung Quốc đã xuất hiện sự chia rẽ sâu sắc về việc có nên trừng phạt các công ty Mỹ hay không.

Trong tình hình hiện nay, Trung Quốc không dám trở mặt hoàn toàn với Mỹ vì sợ Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ tung những đòn đáp trả mạnh mẽ và quyết liệt hơn, đồng thời cũng lo ngại rằng nếu làm như thế sẽ khiến các công ty Mỹ sợ hãi mà rút khỏi Trung Quốc, gây thiệt hại lớn hơn cho nền kinh tế của chính mình.

Thời gian gần đây, chính phủ Mỹ liên tiếp áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các công ty và ứng dụng của Trung Quốc như tập đoàn Huawei, ứng dụng WeChat, TikTok...

Ngày 19/9, Bộ Thương mại Trung Quốc thông báo đã chính thức thực thi cơ chế giúp nước này hạn chế "các thực thể không đáng tin cậy" của nước ngoài, một động thái được cho là đòn trả đũa của nước này trước các biện pháp trừng phạt của Mỹ nhằm vào các công ty của Trung Quốc.

Bộ Thương mại Trung Quốc không đề cập tới bất kỳ thực thể nước ngoài cụ thể nào, song nêu lên những yếu tố có thể khiến nước này áp đặt các biện pháp trừng phạt hoặc hạn chế đối với các công ty có tên trong danh sách "các thực thể không đáng tin cậy".

Trung Quốc muốn trả đũa Mỹ nhưng không dám, vì sao?
Thời gian gần đây, chính phủ Mỹ liên tiếp áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các công ty và ứng dụng của Trung Quốc như tập đoàn Huawei, ứng dụng WeChat, TikTok... (Ảnh minh họa: internet)

Trừng phạt Mỹ? Nội bộ giới lãnh đạo Trung Quốc chia rẽ sâu sắc

Tờ The Wall Street Journal ngày 22/9 đưa tin, giới lãnh đạo Trung Quốc đang có những bất đồng về thời điểm công bố danh sách "các thực thể không đáng tin cậy". Danh sách này được chốt bởi ông Hồ Xuân Hoa, Phó Thủ tướng Trung Quốc phụ trách vấn đề thương mại và đầu tư nước ngoài.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng kiêm Trưởng đoàn đàm phán thương mại cấp cao của Trung Quốc Lưu Hạc lo ngại rằng việc công bố danh sách vào lúc này sẽ khiến chính quyền Tổng thống Trump tức giận mà áp đặt các biện pháp trừng phạt quyết liệt hơn. Ông cho rằng nên đợi đến sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.

Tờ Wall Street Journal cho biết giới lãnh đạo Trung Quốc có sự do dự trong việc áp đặt các biện pháp trừng phạt, điều này cho thấy một mặt Trung Quốc không dám đẩy mối quan hệ giữa Mỹ-Trung đến chỗ sụp đổ, mặt khác lại muốn đáp trả các lệnh trừng phạt của chính quyền Trump nhằm xoa dịu những tiếng nói chống đối ở trong nước.

Được biết, nhóm công tác do Phó Thủ tướng Hồ Xuân Hoa đứng đầu đã yêu cầu các bộ, ngành liên quan như Cơ quan hoạch định Kinh tế Tối cao, Bộ Thương mại, Cục Quản lý An ninh Mạng và Cơ quan chống độc quyền của Trung Quốc gửi danh sách các công ty Mỹ bị trừng phạt.

Hiện nhóm công tác liên ngành này đã chốt xong danh sách này. Có tin cho rằng đối thủ của Huawei là tập đoàn công nghệ Mỹ Cisco Systems có thể có tên trong danh sách bị trừng phạt.

Chuyên gia cho rằng danh sách trừng phạt của Trung Quốc chỉ là trò phô trương thanh thế ảo

Tờ Wall Street Journal nhận định rằng, mối quan tâm chính của chính quyền Trung Quốc là không muốn các công ty nước ngoài lo sợ mà rút khỏi Trung Quốc trong bối cảnh nước này đang phải đối mặt với tình trạng thất nghiệp gia tăng và kinh tế tụt dốc do đại dịch Covid-19 gây ra.

Nền kinh tế Trung Quốc phụ thuộc rất nhiều vào việc nhập khẩu hàng hóa từ nước ngoài, đặc biệt là chất bán dẫn và các mặt hàng công nghệ cao khác.

Ông Jeff Moon, cựu trợ lý đại diện thương mại Mỹ nói rằng tuyên bố trừng phạt của chính phủ Trung Quốc rất mơ hồ, chẳng qua chỉ là để xoa dịu những tiếng nói chống đối ở trong nước.  

Ông cũng nói thêm rằng Trung Quốc làm như thế nhằm tránh gây thêm căng thẳng vào thời điểm trước thềm bầu cử tổng thống Mỹ, đồng thời phản hồi lại những tiếng nói chống đối ở trong nước.

Ông Derek Scissors, một nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện nghiên cứu doanh nghiệp Mỹ và là một chuyên gia về kinh tế và thương mại cho biết danh sách trừng phạt của Trung Quốc là phô trương thanh thế ảo.

Trong khi đó, ông William Reinsch, cố vấn cấp cao thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) ở Washington, cho rằng Trung Quốc sẽ rất thận trọng trong việc trả đũa Mỹ và họ cần có thời gian để cân nhắc cách trả đũa như thế nào để không gây hại cho chính mình.

Bình luận