Đây là hội nghị lần thứ hai được tổ chức trong bối cảnh Trung Quốc đang nhận được rất nhiều lời chỉ trích và sự quan ngại về diễn đàn này từ các nước trên thế giới.
Trung Quốc giới thiệu đây là diễn đàn nhằm giới thiệu dự án hợp tác phát triển cơ sở hạ tầng sâu rộng nhằm mục đích thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và mở rộng mối liên kết thương mại toàn cầu. Theo đó, dự án sẽ tài trợ xây dựng các hệ thống giao thông như tàu điện, đường sá và cảng biển ở nhiều quốc gia; tuy nhiên cũng sẽ kéo theo nguy cơ các nước sẽ đồng loạt trở thành "con nợ".
Theo giới quan sát, đây được coi là một quyết định táo bạo cho việc nâng cao ảnh hưởng địa chính trị của Trung Quốc; còn với Mỹ thì lại chỉ trích và cho rằng đây chỉ là hình thức "ngoại giao bẫy nợ".
Phía Trung Quốc cũng đã cố gắng giải quyết các mối quan ngại xung quan vấn đề trên và các dự án đầu tư của Chủ tịch Tập Cận Bình - vốn được cho rằng có trị giá lên đến hơn 1.000 tỷ USD. Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc Liu Kum cho biết nước này mong muốn phát triển "Vành đai và con đường" theo hướng bền vững và giảm thiểu các rủi ro nợ nần nếu có.
Vườn hoa với dòng chữ "Giấc mơ Trung Quốc" chào đón phái đoàn các nước tham dự diễn đàn "Vành đai và con đường" năm 2019 (Ảnh: BBC)
Năm ngoái, Ngoại trưởng Trung Quốc Wang Yi khẳng định "Vành đai và con đường" không phải là khái niệm địa chính trị mà chỉ là một phần trong nỗ lực xây dựng một cộng đồng cùng phát triển vì tương lai chung của tất cả quốc gia trên thế giới.
Năm nay, các nhà lãnh đạo từ 37 quốc gia và hàng chục quan chức dự kiến sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh "Vành đai và con đường" kéo dài ba ngày, trong đó có sự tham gia của Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Italy Giuseppe Conte. Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc cũng đã đến Bắc Kinh vào ngày 25/4 để tham dự hội nghị.