Chuyến đi bộ không gian, hay hoạt động ngoài tàu vũ trụ (EVA) của phi hành đoàn tàu Thần Châu-19 kéo dài tổng cộng 9 giờ 6 phút, vượt qua kỷ lục trước đó của hai phi hành gia Mỹ James Voss và Susan Helms của NASA vào năm 2001, với thời gian 8 giờ 56 phút.
Theo đó, từ tối muộn 16/12 đến sáng ngày 17/12, Cai Xuzhe và Song Lingdong, hai thành viên của phi hành đoàn Thần Châu-19, đã thực hiện thành công hoạt động ngoài trạm vũ trụ Thiên Cung.
Trong suốt chuyến đi bộ, hai phi hành gia tiến hành một loạt nhiệm vụ phức tạp, bao gồm lắp đặt thiết bị chống mảnh rác vũ trụ, kiểm tra và loại bỏ các thiết bị không còn sử dụng, cũng như hoàn thành nhiều thử nghiệm kỹ thuật quan trọng.
Đồng nghiệp của họ, Wang Haoze, phối hợp từ bên trong trạm Thiên Cung, trong khi cánh tay robot và nhóm kiểm soát mặt đất cung cấp hỗ trợ tối đa. Theo cơ quan Vũ trụ có người lái Trung Quốc (CMSA), EVA được đánh giá là "thành công toàn diện".
Đặc biệt, Song Lingdong, 34 tuổi, đã ghi dấu ấn trở thành phi hành gia Trung Quốc đầu tiên thuộc thế hệ 9X (sinh vào thập niên 1990) thực hiện EVA. Chuyến đi bộ bắt đầu khi Cai Xuzhe rời khỏi module Vấn Thiên, và khoảng 90 phút sau, Song cũng tham gia.
Chuyến EVA này là lần thứ 17 được thực hiện bên ngoài trạm Thiên Cung, một cấu trúc quỹ đạo hoàn thiện theo cấu hình chữ T với ba module: Thiên Hòa, Vấn Thiên và Mộng Thiên, lắp ghép hoàn chỉnh từ năm 2022.
Trước đó, Trung Quốc đã thực hiện bước tiến đầu tiên trong lĩnh vực này vào năm 2008, khi phi hành gia Zhai Zhigang dành gần 20 phút bên ngoài tàu Thần Châu-7 trong bộ đồ không gian thế hệ đầu tiên.
Các hoạt động EVA lần này không chỉ củng cố vị thế của Trung Quốc trong lĩnh vực vũ trụ mà còn mở ra những cơ hội nghiên cứu khoa học và thử nghiệm kỹ thuật lớn.
Sứ mệnh Thần Châu-19, bắt đầu từ tháng 10/2024, dự kiến sẽ kéo dài đến tháng 4 hoặc đầu tháng 5/2025, với hàng loạt nhiệm vụ quan trọng tiếp theo.
Chuyến đi bộ kéo dài hơn 9 giờ này không chỉ mang ý nghĩa phá kỷ lục mà còn là minh chứng cho tiềm năng vượt trội của Trung Quốc trong hành trình chinh phục vũ trụ. Thành tựu này phản ánh bước tiến vượt bậc trong công nghệ và chiến lược không gian của Trung Quốc.
Với sự hỗ trợ từ hệ thống quản lý hiện đại và đội ngũ phi hành gia được đào tạo chuyên sâu, quốc gia này đang ngày càng khẳng định vai trò dẫn đầu trong lĩnh vực khám phá không gian.