Chờ...

Tương lai Myanmar: Mô hình nhà nước liên bang?

VOH – Xung đột gần đây ở Myanmar cho thấy, quân đội đã không thể kiểm soát tình hình. Tình trạng cát cứ đang dần hình thành. Tương lai nào chờ đợi Myanmar phía trước?

Một loạt chiến thắng ngoạn mục của các nhóm kháng chiến vũ trang trong những tháng gần đây, làm dấy lên nguy cơ quân đội từng được cho là bất khả chiến bại của Myanmar, có thể thua toàn diện. Đây là viễn cảnh vô cùng khó khăn với quốc gia Đông Nam Á.

z5504478882667_fa45253dcf25152296191d4189b8e7e4
Myanmar có nhiều bang với nhiều sắc tộc khác nhau chiếm chủ đạo - Ảnh: Worldometer

Nhiều ý kiến cho rằng, nếu có thì phải rất lâu nữa các nhóm nổi dậy mới chiếm được thủ đô Naypyidaw và lật đổ chế độ quân sự Myanmar. Ngay cả khi liên minh chống chính quyền giành chiến thắng, mục tiêu xây dựng nền dân chủ liên bang, có thể sẽ đòi hỏi nhiều năm đàm phán đầy căng thẳng, giữa vô số nhóm vũ trang và đảng phái. Các nhóm này chia sẻ rất ít điểm chung, ngoài trừ sự bất mãn với chính quyền quân đội.

Tuy nhiên, các nhóm kháng chiến có vẻ không chờ đợi một giải pháp hoàn hảo. Họ đang làm việc trên thực tế, để giành được nhiều thứ nhất có thể, ở bất cứ đâu. Điều này nghĩa là, đấu tranh giữa các nhóm vũ trang và quân đội, diễn ra trên mọi mặt trận. Người dân chịu ảnh hưởng lớn nhất, với tình hình nhân đạo ngày càng tồi tệ.

Không ít ý kiến cho rằng, các nhà tài trợ quốc tế không nên chờ đợi. Để hỗ trợ người dân Myanmar hiệu quả hơn, phương Tây và những bên cùng chí hướng cần đối mặt với thực tế, là quốc gia này ngày càng bị chia cắt, xấu nhất có thể không bao giờ gắn liền với nhau nữa.

Khi quân đội rút lui, các nhóm kháng chiến bắt đầu xây dựng cơ cấu nhà nước song song, cung cấp dịch vụ công ở những nơi không có sự kiểm soát của chính quyền trung ương, giống như các tổ chức vũ trang đã làm ở thập niên 1960.

Những nhóm này không chỉ bảo vệ cộng đồng địa phương, mà ngày càng tiến đến một nhà nước đúng nghĩa, với chức năng quản lý hàng triệu người.

Củng cố các thể chế mang tính quản trị, được thực hiện nhờ tiến bộ trên chiến trường. Đối với họ, sự phát triển này rất quan trọng nhằm duy trì cuộc chiến chống lại chế độ quân sự, bảo vệ người dân địa phương và chuẩn bị nền tảng cho 1 hệ thống liên bang.

Ở khu vực người Bamar chiếm đa số, Chính phủ Thống nhất Quốc gia được thành lập bởi các thành viên quốc hội bỏ chạy sau khi quân đội đảo chính năm 2021, đã đi đầu trong việc cải tổ cơ cấu hành chính địa phương, giúp lập lại trật tự xã hội, chăm sóc sức khỏe người dân và hoàn thiện hệ thống giáo dục.

Ở 1 số nơi khác, các bộ tộc tiến thêm bước nữa, khi xác định cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp. Họ hy vọng sẽ tự cai trị bang của mình trong tương lai, nếu thể chế liên bang được thiết lập.

Một số ý kiến cho rằng, Myanmar sa lầy trong chiến tranh lâu dài, thì các hệ thống quản trị đa nguyên này sẽ ngày càng quan trọng, giúp đảm bảo sự an toàn và ổn định cho những địa phương khắp đất nước.

Cộng đồng quốc tế liên tục thể hiện sự bất bình với chính quyền quân sự Myanmar, từ khi đảo chính 2021 xảy ra. Ngay cả các nước Đông Nam Á (ASEAN) cũng hết kiên nhẫn, khi quá trình hòa giải 5 điểm gần như thất bại.

Phương Tây đã áp đặt nhiều lệnh cấm vận kinh tế lên Myanmar, nhằm gây sức ép, nhưng đến nay chưa phát huy tác dụng. Chính quyền quân sự có thể dựa vào Trung Quốc về chính trị, và dựa vào Nga để mua vũ khí. Cấm vận chỉ khiến kinh tế đi xuống, đời sống người dân khó khăn và cánh cửa đối thoại hẹp đi.

Một số ý kiến cho rằng, nếu giao tranh hiện nay kéo dài, ngoài tổn thất sinh mạng của người dân, thảm họa nhân đạo, thì viễn cảnh Myanmar bị tách ra thành nhiều nước nhỏ đã xuất hiện. Tất cả vẽ lên viễn cảnh mịt mờ cho tương lai của quốc gia trên đất liền lớn nhất Đông Nam Á.

Một khi Myanmar chìm trong lửa đạn và bị chia 5 xẻ 7, sẽ tác động tới láng giềng, xa hơn có thể gây mất ổn định cho Đông Nam Á.

Đó là lý do cộng đồng quốc tế nên chú ý nhiều hơn, cần tìm mọi cách để đối thoại, ngưng giao tranh, ngưng đổ máu, tiến tới hiệp thương chính trị và hình thành 1 nhà nước thống nhất, nhưng có sự phân chia quyền lực tại mỗi địa phương.

Khả năng là chính quyền địa phương tại 1 số nơi, sẽ tự chủ phần nào về văn hóa, giáo dục, y tế, thu thuế và tài chính. Tuy nhiên đối ngoại và quốc phòng, thì vẫn theo chính quyền trung ương. Điều này cũng giống phần nào một số quốc gia đang theo mô hình liên bang. Ví dụ Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, Liên bang Nga hay Thụy Sĩ.