Cách đây 75 năm, vào ngày 6/8/1945, trận bom nguyên tử đầu tiên trên thế giới đã dội xuống thành phố Hiroshima, kéo theo bao tang thương với 140.000 người thiệt mạng và là hồi ức chiến tranh không bao giờ phai nhạt không chỉ đối với riêng Nhật Bản mà còn với toàn thể người dân trên thế giới.
Tại buổi lễ tưởng niệm năm nay, thị trưởng thành phố Hiroshima - Kazumi Matsui đã kêu gọi tất cả người dân hãy dẹp bỏ sự tự ái của chủ nghĩa dân tộc, cùng đoàn kết lại vượt qua mọi khó khăn, đặc biệt trong thời kỳ dịch Covid-19 vẫn đang bùng phát mạnh mẽ như hiện nay.
Ông Matsui cũng kêu gọi Chính phủ Nhật Bản nhanh chóng ký và phê chuẩn Hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân của Liên hợp quốc nhằm tăng cường "vai trò trung gian" của Tokyo giữa các nước sở hữu và không sở hữu vũ khí hạt nhân.
Theo kế hoạch, lễ tưởng niệm tại Hiroshima và Nagasaki sẽ được tổ chức lần lượt vào ngày 6 và 9/8. Quy mô của các buổi lễ này năm nay sẽ được thu hẹp do đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp.
Công viên Hòa bình tại trung tâm thành phố Hiroshima thường xuyên là điểm đến của hàng ngàn người để cầu nguyện vì hòa bình, thì nay mở cửa hạn chế và chỉ những gia đình nạn nhân sống sót sau thảm họa hạt nhân năm xưa mới được vào tham dự lễ.
Những bông hoa được đặt tại đài kỷ niệm dành riêng cho các nạn nhân. Bài hát hòa bình đã được các bé thiếu nhi thành phố Hiroshima cất lên trong tiếng chuông, trong khi những người tham dự cúi đầu dành phút mặc niệm cho những nạn nhân.
Sau phút mặc niệm diễn ra vào 8 giờ 15 phút sáng nay, đúng thời điểm quả bom nguyên tử được thả xuống Hiroshima, thị trưởng Matsui cho biết thành phố Hiroshima “đã hồi sinh sau thảm họa nhờ tinh thần đoàn kết của người dân” và nay trở thành một biểu tượng thực sự của hòa bình.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe phát biểu và đặt vòng hoa tưởng niệm tại buổi lễ. Ảnh: Kyodo News
Gia đình các nạn nhân thiệt mạng trong vụ đánh bom đặt hoa tại bia tưởng niệm bên trong Công viên Hòa bình ở Hiroshima sáng 6/8/2020. Ảnh: Kyodo News
Những người tham dự dành phút mặc niệm dành cho những nạn nhân thiệt mạng trong vụ đánh bom nguyên tử cách đây 75 năm. Ảnh: Kyodo News
Công trình Mái vòm Bom nguyên tử ở phía sau bia tưởng niệm được giữ lại làm chứng tích về một trong những sự kiện tang thương nhất trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Ảnh: Kyodo News
Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo cho biết mỗi quốc gia phải tăng cường nỗ lực để xóa bỏ quan niệm thiếu lòng tin vào nhau thông qua đối thoại, giữa bối cảnh các cường quốc đang rơi vào vòng xoáy tranh chấp. Ông cũng khẳng định việc giải trừ vũ khí hạt nhân là nhiệm vụ của Nhật Bản.
“Tại đây - thành phố Hiroshima, nơi mọi người đang cầu nguyện cho hòa bình vĩnh cửu, tôi xin cam kết Nhật Bản sẽ làm mọi thứ có thể để hiện thực hóa một thế giới không có vũ khí hạt nhân và hòa bình lâu dài”, ông Abe nói.
Ngày 6/8/1945, quả bom nguyên tử “Little boy” do Mỹ ném xuống thành phố Hiroshima khiến 140.000 người thiệt mạng. Một quả bom khác 3 ngày sau dội xuống thành phố Nagasaki tiếp tục cướp đi sinh mạng của hơn 70.000 người. Không chỉ dừng lại ở những con số thương vong, những tác động của phóng xạ vẫn khiến hàng ngàn người dân Nhật Bản bị ảnh hưởng về sức khỏe và cuộc sống sau này.
Máy bay B-29 Enola Gay của Mỹ đáp xuống căn cứ không quân Tinian ở quần đảo Mariana sau nhiệm vụ ném bom nguyên tử vào thành phố Hiroshima năm 1925. Ảnh: Reuters
Đám mây hình nấm đặc trưng của bom nguyên tử sau khi phát nổ. Quả bom Little Boy ở Hiroshima có sức công phá 13-16 nghìn tấn TNT, nhỏ hơn so với bom nguyên tử Fat Man được thả vào Nagasaki. Ảnh: Reuters
Thành phố Hiroshima trở thành bình địa sau vụ ném bom nguyên tử đầu tiên trên thế giới vào năm 1925. Ảnh: Reuters
Trong một thông điệp trực tuyến nhân sự kiện đặc biệt hôm nay, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres bày tỏ tưởng niệm các nạn nhân trong vụ ném bom, đồng thời nhấn mạnh "cách duy nhất để xóa bỏ hoàn toàn nguy cơ hạt nhân là xóa bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân."