Chờ...

Ukraine chặn dầu Nga: Hungary, Slovakia và EU bất đồng ý kiến

HUNGARY - Ngày 2/8, Hungary và Slovakia khẳng định đường vận chuyển qua Croatia quá đắt đỏ, không thể là sự thay thế tốt cho đường ống Druzhba vốn đã bị Ukraine cấm.

Công ty xuất khẩu dầu lớn nhất của Nga Lukoil đã dùng đường ống Druzhba để chuyển dầu sang khu vực Đông Âu.

Tuy nhiên từ tháng 7 vừa qua, Ukraine đã ban hành lệnh cấm Lukoil chuyển dầu qua đường ống Druzhba. Vài ngày trước Hungary và Slovakia đã yêu cầu Ủy ban châu Âu can thiệp vì lo ngại động thái của Ukraine đang đe dọa an ninh cung ứng của họ.

Theo Reutes, EU đã đề xuất sử dụng đường ống dẫn dầu của JANAF thông qua Croatia để thay thế, trong đó sẽ vận chuyển các nguồn cung dầu không xuất phát từ Nga sang Hungary và Slovakia.

Tuy vậy Hungary và Slovakia đã bác bỏ kế hoạch này. Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto nói: "Croatia đơn giản không phải quốc gia đáng tin cậy về vận chuyển. Giá vận chuyển dầu đã bị Croatia tăng gấp 5 lần kể từ khi chiến sự (Ukraine) bùng phát".

Đáp lại, Ngoại trưởng Croatia Gordan Grlic Radman khẳng định đã bị Hungary xúc phạm.

hungary-slovakia-1252
Thủ tướng Hungary Viktor Orban (trái) và Thủ tướng Slovakia Robert Fico - Ảnh: MTI

Slovakia thông báo vừa nhận được một lá thư đảm bảo nguồn cung từ Chính phủ Croatia, song vẫn không thấy hài lòng vì thiếu thông tin cụ thể về giá cả cũng như quy mô.

Nguồn cung dầu tại châu Âu đã gián đoạn, bị ảnh hưởng từ tháng 22022, thời điểm Nga tiến hành "chiến dịch quân sự đặc biệt" ở Ukraine.

Để ủng hộ Ukraine, EU cấm các nước thành viên nhập khẩu dầu từ Nga như một cách "cai" dầu Nga, giảm lệ thuộc và không để Matxcơva có thêm nguồn thu. Dù vậy, EU cũng có lệnh miễn trừ cho Hungary, Slovakia và CH Czech. Các nước này được nhập dầu Nga nhưng phải tìm các tuyến đường vận chuyển thay thế.

Theo Reuters, việc vận chuyển dầu Nga qua tuyến Druzhba vẫn được cho phép, ngoại trừ do Công ty Lukoil cung cấp. Tuy nhiên Slovakia muốn Ủy ban châu Âu phải yêu cầu Ukraine khôi phục toàn bộ nguồn vận chuyển dầu từ Nga, dù cũng cho biết sẵn sàng tìm giải pháp khác nếu châu Âu không hành động.