Đây là khoản chi đầu tiên trong gói vay 20 tỷ USD mà Mỹ sẵn sàng phân bổ cho Ukraine thông qua Ngân hàng Thế giới (WB). Khoản vay này được chi trả từ tiền lãi phát sinh từ tài sản Nga bị đóng băng, theo sáng kiến của G7 vào năm 2023.
Thủ tướng Ukraine nhấn mạnh: "Chúng tôi cảm ơn các đối tác gồm Mỹ và WB. Đây là bước tiến quan trọng hướng tới công lý. Chúng tôi kỳ vọng tất cả tài sản của nhà nước Nga sẽ bị tịch thu và được sử dụng để tái thiết Ukraine".
Đầu tháng 12, Bộ Tài chính Mỹ đã chuyển 20 tỷ USD vào WB, đề xuất tổ chức này chuyển đổi số tiền thành khoản vay cho Ukraine.
Liên minh châu Âu (EU) cam kết đóng góp thêm 20 tỷ USD, trong khi Anh, Nhật Bản và Canada bổ sung thêm 10 tỷ USD, nâng tổng quỹ viện trợ lên 50 tỷ USD.
Khoảng 300 tỷ USD thuộc Ngân hàng Trung ương Nga đã bị Mỹ và đồng minh phong tỏa kể từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra vào tháng 2/2022.
Số tài sản này vẫn thuộc về Nga nhưng Moskva không thể tiếp cận, và phần lãi phát sinh cũng không được chuyển lại.
Ban đầu, Mỹ đề xuất sử dụng trực tiếp số tiền bị đóng băng, nhưng EU không chấp nhận. G7 sau đó đạt thỏa thuận sử dụng lãi suất từ khoản tiền này, ước tính vài tỷ USD mỗi năm, làm tài sản thế chấp cho khoản vay 50 tỷ USD.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) từng cảnh báo rằng việc tịch thu tài sản Nga có thể làm suy giảm niềm tin vào hệ thống tài chính toàn cầu.
Điện Kremlin nhiều lần lên án hành động này là "hành vi trộm cắp" và tuyên bố sẽ có biện pháp pháp lý đối với những cá nhân liên quan.
Ukraine hiện phụ thuộc gần như hoàn toàn vào viện trợ nước ngoài kể từ năm 2022. Chi phí duy trì xung đột đã khiến ngân sách nước này rơi vào khủng hoảng.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã ký thông qua ngân sách năm 2025 với dự kiến thu ngân sách 49 tỷ USD, trong khi chi tiêu lên đến 87 tỷ USD.