UNICEF cảnh báo tình trạng suy dinh dưỡng ở phụ nữ mang thai và những người mẹ trẻ đang tăng cao

(VOH) – Theo một báo cáo mới công bố, Nam Á và châu Phi cận Sahara là nơi tập trung 68% phụ nữ và trẻ em gái vị thành niên thiếu cân và 60% số người bị thiếu máu.

Một báo cáo ngày 6/3 của UNICEF đã cảnh báo về số trường hợp suy dinh dưỡng cấp tính ở phụ nữ mang thai và đang nuôi con bằng sữa mẹ gia tăng 25% kể từ năm 2020 tại 12 quốc gia thuộc "tâm điểm" của cuộc khủng hoảng lương thực thế giới, đồng thời nhấn mạnh những hậu quả nghiêm trọng đối với con cái của họ.

Dựa trên phân tích dữ liệu về tình trạng thiếu cân và thiếu máu ở hầu hết các quốc gia, báo cáo ước tính có hơn một tỷ phụ nữ và trẻ em gái vị thành niên trên toàn thế giới bị suy dinh dưỡng, thiếu các vi chất dinh dưỡng thiết yếu và thiếu máu. Hầu hết những người này đều sống ở những khu vực nghèo nhất thế giới.

UNICEF cảnh báo tình trạng gia tăng suy dinh dưỡng ở phụ nữ mang thai và những người mẹ trẻ 1
Ảnh minh họa. Cờ của Liên hợp quốc. Nguồn: BFMTV

UNICEF nhấn mạnh rằng những thiếu hụt dinh dưỡng này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của những người phụ nữ này mà còn ảnh hưởng đến con cái của họ, đồng thời lưu ý “tình trạng dinh dưỡng kém được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác”.

Suy dinh dưỡng không chỉ làm tăng nguy cơ tử vong ở trẻ sơ sinh, mà còn gây hại cho "sự phát triển của thai nhi, để lại những ảnh hưởng lâu dài đến sự tăng trưởng và học tập của trẻ, cũng như khả năng tự chăm sóc bản thân trong tương lai của chúng".

Báo cáo đặc biệt chú ý đến phụ nữ có thai và đang nuôi con bằng sữa mẹ khi nhấn mạnh rằng "trên toàn cầu hiện có 51 triệu trẻ em dưới 2 tuổi bị thấp còi. Ước tính gần một nửa số trường hợp này xảy ra trong thời kỳ mang thai và 6 tháng đầu đời, khi dinh dưỡng của trẻ hoàn toàn phụ thuộc vào người mẹ".

Theo đó, từ năm 2020 đến năm 2022, số phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú bị suy dinh dưỡng cấp tính đã tăng 25%, từ 5,5 triệu lên 6,9 triệu người tại 12 quốc gia đang gặp khủng hoảng lương thực là Afghanistan, Burkina Faso, Ethiopia, Kenya, Mali, Niger, Nigeria, Somalia, Sudan, Nam Sudan, Chad và Yemen.

"Nếu cộng đồng quốc tế không hành động khẩn cấp, cuộc khủng hoảng này có thể gây ra hậu quả lâu dài cho các thế hệ tương lai", Giám đốc điều hành UNICEF, Catherine Russell cho biết trong một tuyên bố.

UNICEF kêu gọi sự ưu tiên cho phụ nữ và trẻ em gái trong việc tiếp cận thực phẩm dinh dưỡng, đồng thời đưa ra các biện pháp bắt buộc nhằm "mở rộng việc tăng cường vi chất dinh dưỡng trên quy mô lớn đối với các loại thực phẩm phổ biến" như bột mì, dầu ăn hoặc muối, và xóa bỏ một số hành vi phân biệt đối xử dẫn đến sự phân bổ lương thực không công bằng trong các hộ gia đình.

Bình luận