Vấn đề eo biển Đài Loan được Châu Âu ưu tiên hàng đầu?

VOH - Những năm qua, châu Âu rất quan tâm rủi ro liên quan xung đột tiềm tàng ở eo biển Đài Loan.

Từ khi ông Lai Ching-te chiến thắng trong cuộc bầu cử tháng 1/2024, quân đội Trung Quốc liên tục tập trận ở vùng biển này. Châu Âu có lý do để lo ngại, do Đài Loan đã trở thành đối tác thương mại lớn. EU hiện cũng là nhà đầu tư nước ngoài số 1 ở hòn đảo.

c_taiwan
Eo biển Đài Loan đang là điểm nóng có khả năng dẫn tới xung đột - Ảnh BBC

Tác động xảy ra xung đột vẫn là mối lo ngại. Bloomberg Economics ước tính, cuộc xung đột sẽ gây ra cú sốc toàn cầu trị giá 10.000 tỷ USD, tức 10% GDP toàn cầu. Đài Loan là nhà sản xuất chất bán dẫn số 1 thế giới. Đông Á là trung tâm kinh tế toàn cầu. Do đó, châu Âu đang thận trọng đưa ra các phương án dự phòng.

Đến năm 2022, vấn đề Đài Loan chỉ được các thành viên EU ưu tiên hạng 2. Hai bên có quan hệ ngoại giao khiêm tốn, mặc dù hầu hết quốc gia EU đều có văn phòng đại diện không chính thức tại Đài Bắc.

Ở chiều ngược lại, Đài Loan đã tăng cường sự hiện diện ngoại giao tại châu Âu, củng cố đại sứ quán trên thực tế tại Pháp, Anh, Đức, Hà Lan và Ý. Sau khi mở văn phòng đại diện không chính thức tại Litva cách đây 4 năm, dẫn đến sự trả đũa kinh tế từ Trung Quốc, Đài Loan đã tăng cường quan hệ với các quốc gia Đông Âu như cộng hòa Séc và Ba Lan. Vài tuần trước khi nhậm chức phó lãnh đạo hòn đảo, bà Hsiao Bi-khim đã đến thăm Prague, Warsaw, Vilnius và Brussels, để phát triển các mối quan hệ.

EU không muốn thiết lập bất kỳ mối quan hệ chính thức nào với Đài Loan, do tất cả đều chấp nhận chính sách “1 Trung Quốc”.

Từ năm 2022, sau chuyến thăm Đài Loan của chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi, cộng với các cuộc tập trận liên tục của Trung Quốc, đã khiến nhiều nước châu Âu đánh giá lại tình hình an ninh ở eo biển này.

Đối với châu Âu, xung đột tại eo biển Đài Loan không chỉ làm gián đoạn hoạt động thương mại với Đông Á, còn ngắt chuỗi cung ứng sản xuất toàn cầu, định hình lại cấu trúc an ninh châu Á và gây hậu quả nghiêm trọng về chiến lược.

40% thương mại ngoài khối của EU đi qua eo biển Đài Loan mỗi năm. Từ khi ông Lai nhậm chức, mối lo ngại về khả năng xung đột đã gia tăng trong lòng châu Âu, trong khi cuộc chiến ở Ukraine và Gaza chưa kết thúc. Các ủy ban của châu Âu đang nghiên cứu vấn đề này cẩn thận.

Những vị trí chủ chốt của châu Âu đã được bổ nhiệm, sau cuộc bầu cử nghị viện kết thúc tháng 6/2024. Để tránh kịch bản bất ngờ như xung đột Ukraine, châu Âu được cho là đang chuẩn bị 1 kế hoạch dự phòng, bao gồm các mức độ phản ứng về kinh tế đến an ninh quốc phòng đối với tình hình xung đột ở eo biển này.

Trong chuyến thăm Trung Quốc năm 2023, tổng thống Pháp Emanuel Macron nói rằng, điều không mong muốn nhất là châu Âu phải làm theo chương trình nghị sự của Hoa Kỳ, cộng với các phản ứng quá cứng rắn của Bắc Kinh về Đài Loan.

Châu Âu, bao gồm cả Pháp – thành viên tích cực trong các vấn đề Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, đã đưa tàu chiến thường xuyên đi qua eo biển. Tháng 6/2024, tàu khu trục Tromp của Hà Lan cũng đi qua, dưới sự giám sát chặt chẽ của Trung Quốc.

Theo 1 số nguồn tin, với ban lãnh đạo vừa được bầu của EU, những vấn đề liên quan tới Đài Loan sẽ được xếp ưu tiên hàng đầu.

Bình luận