Tiêu điểm: Nhân Humanity

Vấn đề Myanmar liệu có thể được giải quyết trong năm 2025?

VOH - Quân đội Myanmar dưới sự lãnh đạo của tướng Min Aung Hlaing đã đảo chính và lên nắm quyền tháng 2/2021.

Sự kiện này chấm dứt quá trình thử nghiệm mô hình dân chủ kéo dài 1 thập kỷ. Bất ổn và nội chiến kéo theo sau đó, gây ra tàn phá nặng nề về tài sản lẫn số người tử vong. Năm 2025, Myanmar tổ chức bầu cử, liệu có tạo ra sự chuyển biến?

c_MyanmarHeroMay2022_0
Myanmar đang nội chiến với sự tham gia của hàng chục phe phái - Ảnh: CNN

Quân đội Myanmar đang chiến đấu với nhiều nhóm vũ trang khác nhau, trong đó gồm nhiều tổ chức của người dân tộc thiểu số đã cố gắng giành quyền tự chủ từ khi quốc gia Đông Nam Á độc lập khỏi thực dân Anh năm 1948. Nhưng nổi bật là Lực lượng phòng vệ nhân dân (PDF) thành lập dưới ngọn cờ của Chính phủ Thống nhất Quốc gia, và Lực lượng phòng vệ địa phương (LDF) được các nhà hoạt động dân chủ thành lập năm 2021.

Tháng 10/2023, bước ngoặt xảy ra khi cuộc tấn công của 3 nhóm vũ trang với tên gọi chiến dịch 1027, gồm quân đội liên minh dân chủ quốc gia Myanmar, quân đội giải phóng Ta’ang và quân đội Arakan, đã gây tổn thất nặng cho quân chính phủ.

Mặc dù Myanmar không xa lạ với xung đột, nhưng đây là lần đầu tiên quân đội chính phủ không chỉ chiến đấu với các nhóm dân tộc thiểu số ở biên giới, mà còn các nhóm ủng hộ dân chủ có vũ trang của người Bamar ở trung tâm đất nước. Các nhóm này đang ngày càng hợp tác chặt chẽ. Theo tổ chức theo dõi ACLED, PDF và LDF đã chiếm được khoảng 80 thị trấn cùng 200 căn cứ quân sự trên toàn quốc.

Dẫu vậy, hy vọng chiến thắng của phe đối lập sẽ dẫn tới thất bại toàn diện của chính phủ được cho là quá lạc quan. Lực lượng đối lập chỉ kiểm soát một phần nhỏ đất nước. Các chiến dịch của họ mặc dù bộc lộ điểm yếu của quân chính phủ, nhưng chúng không mang tính quyết định. Ngoài ra, các nhóm đối lập hay xung đột nội bộ, mặc dù họ thường thể hiện sự hợp tác. ACLED ghi nhận 300 cuộc va chạm vũ trang vào năm 2024.

Trung Quốc được cho có tiếng nói quan trọng. Đất nước tỷ dân dọa đóng cửa biên giới với khu vực do phiến quân Kachin và phiến quân ở bang Shan kiểm soát, đã thúc đẩy các nhóm này đàm phán ngừng bắn với chính phủ.

Quân đội Myanmar cũng hưởng lợi từ hoạt động ngoại giao của Thái Lan. Năm 2024, Thái Lan tổ chức tham vấn không chính thức, giữa quân đội Myanmar và đại diện các nước láng giềng là Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh và Lào. Thái Lan cũng họp cấp bộ trưởng với thành viên ASEAN về vấn đề Myanmar.

Theo một số chuyên gia, động thái của Bangkok không có gì ngạc nhiên. Họ mất kiên nhẫn với cách tiếp cận không hiệu quả của ASEAN năm 2024 do Lào làm chủ tịch. Tiếng nói của Lào trên trường quốc tế được cho là quá yếu. Ngoài ra, quân đội Thái Lan và Myanma cũng có quan hệ chặt chẽ.

Biên giới 2 nước ước tính dài 2.400 km. Thái Lan đã tiếp nhận hàng trăm nghìn người tị nạn Myanmar. Do đó, Bangkok rất quan tâm đến việc tìm giải pháp cho cuộc xung đột dai dẳng này.

Dù động cơ là gì, nỗ lực của Thái Lan đã hỗ trợ tướng Min Aung Hlaing khỏi các thất bại liên tiếp trên chiến trường. Ông Min gặp khó khăn lớn vào cuối tháng 12/2024, khi quân đội Arakan chiếm được trung tâm chỉ huy của lực lượng chính phủ ở bang Rakhine. Đây là thất bại lớn thứ 2, khi trước đó vào tháng 8, trung tâm chỉ huy ở Lashio phía Đông Bắc cũng thất thủ.

Quân đội Myanmar cam kết tiến hành bầu cử sau đảo chính 2021. Tuy nhiên đã hoãn vô thời hạn do bất ổn. Trung Quốc đang gây sức ép để cuộc bầu cử diễn ra. Tướng Min vừa có chuyến thăm nước láng giềng khổng lồ lần đầu vào tháng 11/2024, để thảo luận vấn đề.

Ngoại trưởng Myanmar gợi ý, quan chức từ láng giềng sẽ được mời giám sát bầu cử. Tuy nhiên có nhiều hoài nghi, liệu cuộc bầu cử sẽ được tiến hành tự do, công bằng và trật tự?

Chính phủ đoàn kết dân tộc Myanmar (NUG) gồm các cựu thành viên từ chính quyền của bà Aung San Suu Kiy trước đây sẽ không tham gia, do vẫn đang bị cấm. Họ có thể kêu gọi tẩy chay trong trường hợp xấu nhất.

NUG khi nắm quyền đã hủy bỏ hiến pháp 2008 cho phép quân đội kiểm soát 25% ghế ở quốc hội. Hiện nay, soạn thảo hiến pháp mới để giảm quyền lực của quân đội, được cho là mất thời gian và có thể bất khả thi. Luôn tồn tại nguy cơ giao tranh làm gián đoạn quá trình bầu cử, trừ khi tất cả các bên trong xung đột đều đồng ý ngừng bắn.

Cách tiếp cận mang tính ngoại giao của Thái Lan, được cho cũng phụ thuộc vào thành viên ASEAN khác. Malaysia, Indonesia và Singapore đã mất niềm tin với chính quyền quân sự Myanmar. Nhưng điều này có thể thay đổi. Malaysia là chủ tịch ASEAN 2025. Mặc dù từng chỉ trích gay gắt, Thủ tướng Anwar Ibrahim ủng hộ cách can thiệp mang tính xây dựng với chính quyền quân sự Myanmar vào những năm 1990, khi ông là phó Thủ tướng Malaysia.

Phương Tây được cho sẽ từ chối công nhận bất kỳ cuộc bầu cử nào không có sự tham gia của NUG. Tuy nhiên, khả năng không nhỏ chính quyền quân sự thông qua một chính đảng dân sự, vẫn sẽ giành được tính hợp pháp, nếu ASEAN, Trung Quốc và Ấn Độ công nhận. Bài toán đặt ra, chính quyền mới được bầu và các nhóm vũ trang sẽ đàm phán với tiến trình nào, để hiệp thương và hòa hợp dân tộc?

Phương Tây đang bận tâm đến xung đột ở Ukraine và Trung Đông, nên sáng kiến do Thái Lan thúc đẩy được dự đoán có thể mở ra cơ hội mới, trong việc giải quyết vấn đề Myanmar.

Thời gian đang cạn, vì nền kinh tế - xã hội Myanmar đã ở mép vực. Một nửa thị trấn bị ảnh hưởng bởi giao tranh, hàng triệu người dời bỏ nhà cửa và tỷ lệ nghèo đói tăng gấp đôi từ năm 2021. Covid-19 rồi một loạt thảm họa thiên nhiên như bão lũ năm 2023 và 2024, càng làm cho tình hình thêm tồi tệ.

Theo Ngân hàng Thế giới (WB), kinh tế Myanmar sẽ giảm 1% GDP trong năm tài chính kết thúc vào tháng 3/2025. Hiện hơn 30% dân số cần viện trợ nhân đạo. WB cảnh báo về những hậu quả nghiêm trọng lâu dài, nguy cơ khiến Myanmar mất đi cả thế hệ để khắc phục.

Nhiều ý kiến cho rằng, 2025 là năm quyết định tình hình chính trị Myanmar. Cuộc chiến có thể chấm dứt hoặc đất nước sẽ bị Balkan hóa vĩnh viễn.

Bình luận