Dù chưa có xác nhận chính thức từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), loại virus này được đánh giá có thể gây biến chứng nặng, đặc biệt ở trẻ em, người già và người có hệ miễn dịch yếu.
Nguy cơ từ virus HMPV
HMPV là một loại virus thuộc họ Paramyxoviridae, gây bệnh đường hô hấp trên và dưới. Lần đầu được phát hiện vào năm 2001, HMPV đã trở thành nguyên nhân phổ biến dẫn đến viêm phổi, viêm tiểu phế quản và các bệnh lý nghiêm trọng khác. Virus này lây lan qua đường hô hấp khi người bệnh ho, hắt hơi hoặc tiếp xúc với các bề mặt nhiễm virus.
Triệu chứng phổ biến của bệnh bao gồm:
- Sốt, ho, đau họng.
- Nghẹt mũi hoặc chảy nước mũi.
- Khó thở, thở rít.
- Trong trường hợp nặng, bệnh nhân có thể bị viêm phế quản, viêm phổi hoặc suy hô hấp, đặc biệt ở trẻ nhỏ và người cao tuổi.
Biến chứng nghiêm trọng
HMPV không chỉ gây ra các triệu chứng giống cảm lạnh mà còn dẫn đến nhiều biến chứng nặng. Trong số đó, viêm phổi và viêm tiểu phế quản là phổ biến nhất, đặc biệt ở trẻ em dưới 1 tuổi. Các nghiên cứu chỉ ra rằng HMPV chiếm từ 10% đến 12% số ca nhiễm trùng đường hô hấp ở trẻ em, với 5% đến 16% trẻ phải nhập viện.
Ở người lớn tuổi hoặc những người mắc bệnh nền như hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), viêm tai giữa hoặc suy giảm miễn dịch, HMPV có thể gây suy hô hấp nghiêm trọng, thậm chí phải hỗ trợ thở máy.
Cách nhận biết và khi nào cần gặp bác sĩ
Hầu hết các trường hợp nhiễm HMPV đều tự khỏi sau 2 đến 5 ngày với các biện pháp chăm sóc tại nhà như nghỉ ngơi, bổ sung nước và sử dụng thuốc giảm triệu chứng. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân có các dấu hiệu sau, cần tìm đến bác sĩ ngay:
- Khó thở hoặc thở rít.
- Ho dữ dội, kéo dài hơn 2 tuần.
- Môi hoặc đầu ngón tay tím tái.
- Bỏ ăn hoặc uống (đặc biệt ở trẻ nhỏ).
Hiện chưa có vaccine hoặc thuốc điều trị đặc hiệu cho HMPV. Biện pháp phòng ngừa tốt nhất là duy trì vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên, tránh tiếp xúc với người bệnh và vệ sinh các bề mặt tiếp xúc như điện thoại, tay nắm cửa.