Giới chức Hàn Quốc cho rằng bức tường nằm ở cuối đường băng này có thể đã làm gia tăng mức độ thảm khốc của sự việc.
Thứ trưởng Giao thông phụ trách hàng không dân dụng Joo Jong-wan cho biết Ủy ban điều tra sẽ phân tích kỹ lưỡng để xác định liệu bức tường có phải là yếu tố làm tăng mức độ thiệt hại hay không.
Ông Joo cũng nhấn mạnh cần đánh giá toàn diện các nguyên nhân, tránh chỉ tập trung vào một yếu tố đơn lẻ.
Quan chức Kim Hong-rak, phụ trách chính sách sân bay Hàn Quốc, khẳng định chính phủ sẽ xem xét kỹ các quy định liên quan đến việc sử dụng tường bê tông trong thiết kế sân bay. Theo đó, bức tường này được xây dựng năm ngoái để đặt hệ thống hỗ trợ hạ cánh ILS, cách cuối đường băng khoảng 250 mét.
Các chuyên gia đặt nghi vấn rằng việc sử dụng tường bê tông thay vì cấu trúc khung thép, vốn dễ sụp đổ khi chịu lực mạnh, có thể đã góp phần làm tăng thiệt hại.
Ngày 23/12, vụ tai nạn kinh hoàng xảy ra khi chiếc Boeing 737-800 của hãng hàng không Jeju Air phải hạ cánh khẩn cấp bằng bụng, trượt trên đường băng rồi đâm vào tường bê tông, biến máy bay thành quả cầu lửa khổng lồ. Trong số 181 người trên máy bay, chỉ hai người sống sót, khiến đây trở thành thảm kịch hàng không tồi tệ nhất tại Hàn Quốc.
Dù đánh giá ban đầu cho rằng tai nạn có thể bắt nguồn từ va chạm với chim, các đoạn video ghi lại hiện trường cho thấy chiếc máy bay bốc cháy dữ dội sau khi va chạm với bức tường, khiến các nhà điều tra tập trung vào công trình này.
Hãng tin Yonhap nhận định việc sử dụng tường bê tông cao là rất hiếm, thay vào đó cấu trúc hỗ trợ ILS thường được làm bằng khung thép nhằm giảm thiểu tác động trong những tình huống khẩn cấp.
Chính phủ Hàn Quốc đã tuyên bố quốc tang kéo dài 7 ngày, hủy các lễ mừng năm mới và treo cờ rủ để tưởng nhớ các nạn nhân. Việc bàn giao thi thể các nạn nhân cho gia đình bắt đầu từ ngày 31/12/2024.
Cuộc điều tra vẫn đang được tiến hành nhằm làm rõ mọi yếu tố liên quan đến vụ việc, đồng thời đánh giá lại các quy định an toàn hàng không để ngăn chặn thảm kịch tương tự xảy ra trong tương lai.