Theo Trung tâm Bão Quốc gia Mỹ (NHC), bão Iota hình thành và mạnh dần lên từ ngoài khơi Đại Tây Dương, băng qua biển tiến vào đất liền từ chiều tối ngày thứ Hai 16/11.
Trước khi đổ bộ, bão Iota mạnh cấp độ 5, với sức gió tối đa lên tới 260km/h. Tuy nhiên khi tiến vào Nicaragua, bão đã suy yếu xuống còn cấp 4, nhưng NHC vẫn cảnh báo đây vẫn còn ở mức “cực kỳ nguy hiểm”.
Trong thông báo mới nhất, NHC cảnh báo sẽ có những “cơn gió cực mạnh, nước lũ dâng và mưa lớn có thể gây nguy hiểm đến tính mạng”.
Tổng thống nước láng giềng Honduras Juan Orlando Hernandez nhận định về bão Iota trong cuộc họp báo vào sáng sớm ngày 17/11: “Những gì đang đến gần giống như một quả bom vậy.”
Bão Iota là cơn bão ở lưu vực Đại Tây Dương mạnh nhất kể từ đầu năm nay và là cơn bão tháng 11 thứ hai trong lịch sử mạnh đạt cấp độ 5. Lần cuối cùng xuất hiện bão cấp 5 trong tháng 11 là vào năm 1932. Ngoài ra, mùa bão năm 2020 đã chứng kiến con số kỷ lục 30 cơn bão nhiệt đới được đặt tên trên khắp vùng Caribbean, Trung Mỹ và đông nam nước Mỹ.
Các nước Honduras, Guatemala và Nicaragua đã tiến hành sơ tán người dân tại các khu vực đất thấp, vùng trũng gần các con song và dọc theo bờ biển Đại Tây Dương - đây là những nơi dự báo sẽ chịu thiệt hại nặng nề nhất khi bão Iota đổ bộ.
Trước khi tiến vào khu vực Trung Mỹ, bão Iota đã di chuyển qua đảo Providencia thuộc chủ quyền của Colombia ở vùng Caribbean, khiến một người thiệt mạng và gây mất điện trên diện rộng tại đây.
Vị trí bão Iota đổ bộ chỉ cách tâm bão Eta hai tuần trước đó khoảng 15 dặm, và hiện những hậu quả của bão Eta vẫn chưa được khắc phục.
Trước đó, bão Eta mạnh cấp 4 đã "càn quét" các nước Trung Mỹ với sức tàn phá rất lớn. Không chỉ khiến hơn 200 người thiệt mạng, bão Eta còn phá hủy hệ thống đường sá, các bệnh viện, trường học, mạng lưới cấp nước và hệ thống vệ sinh ở những nơi quét qua. Hơn 110.000 người, trong đó có 44.000 trẻ em, ở 7 quốc gia đã phải sơ tán đến các nơi tạm trú.