Một báo cáo cho biết, năm 2023, Myanmar đã vượt qua Syria để trở thành quốc gia có số người tử vong hoặc bị thương do bom mìn và vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh cao nhất.
Nghiên cứu do Chiến dịch quốc tế cấm mìn công bố đã cảnh báo về tình trạng sử dụng mìn tràn lan trên khắp Myanmar sau cuộc xung đột nổ ra kể từ cuộc đảo chính quân sự năm 2021.
Thương vong được ghi nhận ở mọi tiểu bang và khu vực ngoại trừ Naypyidaw, thủ đô được phòng thủ nghiêm ngặt và là trung tâm sức mạnh quân sự của đất nước.
Việc sử dụng mìn đã tăng đáng kể ở Myanmar khi xung đột lan rộng khắp đất nước.
Sau cuộc đảo chính, nhiều thường dân đã cầm vũ khí và thành lập lực lượng phòng vệ nhân dân để đấu tranh cho sự trở lại của nền dân chủ và chấm dứt bạo lực quân sự.
Các nhóm vũ trang dân tộc lâu đời hơn, vốn từ lâu đã tìm kiếm quyền tự chủ lớn hơn cũng chiến đấu chống lại chính quyền quân sự.
Báo cáo Landmine Monitor 2024 cho biết, cả chính quyền quân sự và các nhóm vũ trang chống lại chính quyền đều sử dụng mìn.
Báo cáo trích dẫn một số vụ việc mà mìn quân sự được cho là đã gây ra thương vong cho dân thường, bao gồm cả trẻ em và cho biết, có bằng chứng cho thấy quân đội vẫn tiếp tục sử dụng dân thường làm "lá chắn sống" để đi trước binh lính tại các khu vực bị ảnh hưởng bởi mìn…
Tổng cộng, Landmine Monitor phát hiện có 1.003 thương vong ở Myanmar năm ngoái. Do thiếu giám sát chính thức trên toàn quốc nên con số này thực tế có thể cao hơn đáng kể.
Myanmar chịu nhiều thương vong hơn vào năm ngoái so với Syria, quốc gia được xếp hạng tệ nhất thế giới trong ba năm qua.
Syria là quốc gia có số người tử vong hoặc bị thương do bom mìn và vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh cao thứ hai vào năm ngoái (933), tiếp theo là Afghanistan và Ukraine, cả hai quốc gia đều ghi nhận hơn 500 thương vong vào năm 2023.