Không những vậy, nguồn cung cấp các thiết bị cho bệnh viện và cơ sở y tế phải mất khoảng 2 tuần nữa mới đến được Lybia.
Bác sĩ Syed Jaffar Hussain - đại diện của WHO tại Libya cho biết sau một tuần xảy ra xung đột, đã có 75 trường hợp thiệt mạng và 323 ca khác bị thương, trong đó có 7 dân thường thiệt mạng và 10 dân thường bị thương.
WHO đã chuyển các bộ dụng cụ chấn thương và thuốc đến các bệnh viện, bác sĩ Hussain nói thêm: "Các nguồn cung cấp này sẽ phải sử dụng kéo dài trong hai tuần, đây là giai đoạn nguy hiểm nhất. Đến nay, 6.000 người đã phải trốn chạy nhằm tránh khỏi cuộc chiến nhưng WHO đã lên kế hoạch dự phòng trong tình huống "hàng nghìn, chứ không phải hàng trăm nghìn" trường hợp thương vong trong giai đoạn bùng phát chiến sự khốc liệt ở Libya.
Trước đó vào ngày 4/4, tướng Khalifar Haftar đã ra lệnh cho Quân đội Quốc gia Libya (LNA) tiến quân vào Tripoli, sau nhiều năm xung đột với chính phủ được Liên Hợp Quốc công nhận ở Libya. Mục tiêu của ông này là nhằm giải phóng thủ đô khỏi “phiến quân và các phần tử khủng bố” đang kiểm soát nơi này.
Quân đội của tướng Haftar đến gần thủ đô Tripoli của Libya (Ảnh: Reuters)
Kể từ sau khi một cuộc nổi dậy do NATO hậu thuẫn lật đổ chính quyền Tổng thống Muammar Gaddafi vào năm 2011, Libya đã bị chia cắt thành nhiều khu vực, do những chính quyền và các tổ chức vũ trang khác nhau kiểm soát.
Lực lượng LNA của ông Haftar là một trong hai thế lực lớn nhất ở quốc gia này, khi chính quyền của ông được đặt tại Tobruk và ông này khẳng định đang kiểm soát phần lớn lãnh thổ Libya. Trong khi đó, chính quyền ở Tripoli được Liên Hợp Quốc ủng hộ đang kiểm soát chỉ 7% lãnh thổ đất nước vào thời điểm cuộc tấn công của LNA bắt đầu.