Cô gái bị nghi ngờ nhiễm vi rút Ebola được kiểm tra thân nhiệt tại bệnh viện ở Kenema, Sierra Leone vào ngày 16/8/2014 (Ảnh: AFP)
Sierra Leone đã không có trường hợp mới nhiễm vi rút trong 42 ngày qua - WHO cho biết. Khoảng thời gian này gấp hai lần thời gian ủ bệnh – tính từ thời điểm bị nhiễm đến lúc xuất hiện các triệu chứng.
Điều này đánh dấu cột mốc quan trọng trong cuộc chiến chống lại Ebola, khi đã có tới 11.300 người chết kể từ năm 2013 tại Sierra Leone, Guinea và Liberia, trong các đợt dịch bệnh Ebola tồi tệ nhất thế giới.
Riêng tại Sierra Leone, WHO ghi nhận gần 4.000 ca tử vong kể từ khi dịch bùng phát.
Dù vậy, WHO cho biết, vi rút có thể bùng lên bất cứ lúc nào, bởi chúng có thể tồn tại trong mắt, hệ thần kinh trung ương và chất dịch cơ thể của một số người sống sót.
“Vì vậy, việc giám sát và ứng phó khẩn cấp cần phải được duy trì, cùng với thực hành vệ sinh nghiêm ngặt tại gia đình và các cơ sở y tế, nơi tham gia sinh hoạt cộng đồng", WHO cho biết trong một tuyên bố.