Người phát ngôn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Margaret Harris ngày 6/4 cho biết, cơ quan này không ủng hộ việc yêu cầu người dân xuất trình 'hộ chiếu vắc-xin' khi đi du lịch, vì hiện giờ vẫn không chắc chắn rằng liệu việc tiêm chủng vắc-xin có thể ngăn chặn được sự lây nhiễm hay không. Ngoài ra, còn có những quan ngại khác.
"Trước mắt, chúng tôi không mong muốn sử dụng 'hộ chiếu vắc-xin' như một điều kiện để xuất cảnh hoặc nhập cảnh, bởi vì hiện nay chúng tôi vẫn không chắc chắn rằng liệu vắc-xin có thể ngăn chặn sự lây lan (virus) hay không", bà Harris nói.
Bà Harris cho biết tại một cuộc họp báo rằng, đối với những người vì lý do nào đó mà không thể tiêm vắc-xin thì việc yêu cầu về 'hộ chiếu vắc-xin' là sự phân biệt đối xử đối với họ. Ngoài ra, 'hộ chiếu vắc-xin' còn tồn tại những vấn đề khác.
Một số người đã bày tỏ lo ngại về 'hộ chiếu vắc-xin'.
Tiến sĩ Sarah Chan, một chuyên gia về đạo đức sinh học tại Đại học Edinburgh (Anh), cho biết trong một cuộc trả lời phỏng vấn mới đây trong chương trình "The Nation Speaks"của đài NTDTV: "Tôi cho rằng, về mặt kỹ thuật, 'hộ chiếu vắc-xin' là một giải pháp sẽ mang lại gánh nặng không cân xứng và nó có thể là một sự lãng phí tài nguyên. Ngoài ra, tôi nghĩ nó tồn tại những vấn đề đạo đức nghiêm trọng. Đây là một sự chia rẽ (xã hội) không cần thiết. Nó sẽ tạo ra nhiều bất công và bất bình đẳng hơn trong một xã hội vốn đã bất bình đẳng".
Bà Sarah Chan nói thêm rằng nếu chúng ta bắt đầu xác định ai mới có thể tự do tham gia các hoạt động xã hội dựa trên tình trạng tiêm chủng thì chúng ta thực sự đang cố đặt trách nhiệm phải tiêm chủng lên vai của từng cá nhân, trong khi việc muốn hay không muốn tiêm chủng hoàn toàn là quyền tự do lựa chọn của họ, nhưng thực tế không phải vậy.
Thực ra, việc tiêm chủng phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác mà người dân không thể quyết định được, chẳng hạn như khả năng để có được vắc-xin cũng như tình trạng sức khỏe của mỗi người.
Người phát ngôn của WHO cho biết cơ quan này dự kiến sẽ đánh giá các vắc-xin ngừa Covid-19 của Sinopharm và Sinovac (Trung Quốc) vào cuối tháng 4 để quyết định xem các vắc-xin này có thể đưa vào sử dụng khẩn cấp hay không.
Bà nói rằng việc này không đến nhanh như mong đợi, "vì chúng tôi cần thêm dữ liệu". Bà từ chối cung cấp thêm thông tin.
Nhiều người đã bày tỏ lo ngại về sự thiếu minh bạch trong các thử nghiệm lâm sàng đối với vắc-xin do Trung Quốc sản xuất.
Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda từng trao đổi với phía Trung Quốc về việc mua vắc-xin của nước này để đẩy nhanh việc tiêm chủng. Nhưng chỉ vài ngày sau đó, Bộ trưởng Y tế Ba Lan Adam Niedzielski cho biết do thiếu các dữ liệu liên quan nên trước mắt ông không khuyến nghị sử dụng vắc-xin của Sinopharm.