Cụ thể, ngọn đuốc sẽ đi qua 857 thành phố thuộc 47 quận của Nhật Bản, nêu bật các biểu tượng tái thiết sau khi xảy ra trận động đất và sóng thần kinh hoàng ngày 11/3/2011 dẫn đến thảm họa hạt nhân làm chết gần 16.000 người.
Chủ tịch Ủy ban Điều phối của Hội đồng Olympic Quốc tế (IOC) John Coates (trái) và Chủ tịch ủy ban tổ chức Olympic Tokyo Yoshiro Mori (phải) tại một cuộc họp ở Tokyo. Ảnh: AP
Sẽ có 10.000 người tham gia vào hành trình rước đuốc kéo dài 121 ngày. Ngọn đuốc sẽ đi đến các thành phố, thị trấn bị ảnh hưởng nặng nề bởi thảm họa năm 2011.
Lễ rước đuốc dự kiến bắt đầu ngày 26/3/2020 tại J-Village ở tỉnh Fukushima, một trung tâm huấn luyện bóng đá hoạt động theo các tiêu chí đảm bảo đối phó được với các thảm họa.
Tượng đài “Cây thông thần kỳ”, nằm trong công viên nơi có một cây thông duy nhất còn trụ vững sau khi sóng thần tràn vào cuốn trôi gần 70.000 người tại khu vực này, cũng nằm trong danh sách các địa điểm ngọn đuốc đi qua ở vùng đông bắc Nhật Bản.
Okuma, nơi đặt một nhánh của tổ hợp nhà máy điện hạt nhân Fukushima, cũng sẽ đón ngọn đuốc trong ngày khởi hành đầu tiên.
Ngoài ra, ngọn đuốc Olympic 2020 cũng ghé thăm công viên Tưởng niệm Hòa bình Hiroshima, nơi tưởng niệm những nạn nhân vụ thả bom nguyên tử đầu tiên của thế giới năm 1945.
Ngọn đuốc sẽ được thắp sáng tại lối đi vào Sân vận động Quốc gia Tokyo mới trong lễ khai mạc ngày 24/7/2020.