Paralympic 2016: Việt Nam sẽ cạnh tranh sòng phẳng với các VĐV hàng đầu thế giới

(VOH) - Đoàn thể thao người khuyết tật (NKT) Việt Nam đã làm lễ xuất quân trang trọng tại TPHCM, tham dự Paralympic 2016, sẽ diễn ra từ ngày 7/9 đến 18/9 tại Rio de Janeiro (Brazil).

Đây là kỳ Paralympic mà đoàn thể thao NKT Việt Nam có số lượng VĐV tham dự đông nhất với 11 VĐV và 1 người dẫn đường, tranh tài ở 3 môn là bơi, cử tạ và điền kinh.

Theo đó, cử tạ gồm các VĐV: Lê Văn Công, Nguyễn Bình An, Đặng Thị Linh Phượng, Châu Hoàng Tuyết Loan; môn bơi gồm: Võ Thanh Tùng, Trịnh Thị Bích Như, Nguyễn Thành Trung, Đỗ Thanh Hải; môn điền kinh gồm: Cao Ngọc Hùng, Nguyễn Thị Nhàn, Nguyễn Ngọc Hiệp và Lê Việt Luân - người dẫn đường cho VĐV khiếm thị Ngọc Hiệp. VĐV dẫn đường cũng được trao huy chương như VĐV chính thức.

Với lực lượng có đủ khả năng tranh chấp huy chương hiện nay, cộng thêm nguồn cảm hứng từ 1 HCV và 1 HCB Olympic Rio của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh, đoàn Thể thao NKT Việt Nam dự Paralympic 2016 được kỳ vọng sẽ gặt hái nhiều thành công.

Trưởng đoàn thể thao NKT VN Phạm Văn Tuấn nhận cờ xuất quân từ Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Ngọc Thiện

VOH phỏng vấn ông Phạm Văn Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT, Trưởng đoàn Thể thao người khuyết tật Việt Nam dự Paralympic Rio.

VOH: Ông đánh giá về sự chuẩn bị của đoàn thể thao khuyết tật Việt Nam khi tham dự đấu trường lớn như Paralympic như thế nào?

Ông Phạm Văn Tuấn: Chưa bao giờ đoàn thể thao khuyết tật VN được chuẩn bị chu đáo và đầy đủ như lần này. Phải nói rằng chúng ta vượt qua vòng loại cũng đầy khó khăn khi phải tranh chấp với các VĐV xuất sắc trên khắp thế giới để giành được 12 suất. Trong đó có 4 VĐV cử tạ, 4 VĐV bơi lội và 4 VĐV điền kinh.

Sự chuẩn bị lần này phải nói rằng được sự quan tâm rất cụ thể của Bộ Văn hóa, Thể thao, Du lịch, cũng như Tổng cục TDTT và Hiệp hội Paralympic Việt Nam. Tôi cho rằng sự chuẩn bị lần này đầy đủ và tích cực, đoàn chúng ta tham dự Paralympic Rio 2016 sẽ đạt những kết quả tốt nhất. 

VOH: Đoàn TT NKT Việt Nam đặt mục tiêu như thế nào tại Đại hội, thưa ông?

Ông Phạm Văn Tuấn: Chúng tôi không có giao chỉ tiêu để tránh áp lực cho VĐV. Nhưng tôi có thể nói một cách tự hào rằng, lần này chúng ta có 12 VĐV đến độ chín muồi, có sự chuẩn bị chu đáo nên có thể tranh chấp một cách sòng phẳng với các VĐV hàng đầu thế giới.

Trước đây, mỗi lần chúng ta tham gia Thế vận hội lớn như thế này thì các VĐV có tâm lý tự ti. Thấy Đại hội quá lớn, các VĐV không vượt qua ngưỡng tâm lý.

Trong 2, 3 năm gần đây, số VĐV này được tập huấn, được tuyển chọn một cách kỹ càng, và đặc biệt tham gia một số giải lớn, giải châu Á, thế giới nên đã rèn cho VĐV chúng ta đầy đủ về tâm lý, sức khỏe, cũng như chuyên môn. Tôi bảo đảm rằng, dù không giao chỉ tiêu nhưng chắc chắn rằng đoàn chúng ta sẽ có huy chương.

VOH: Tại Olympic Rio, Việt Nam đạt thành tích lịch sử với 1 HCV, 1 HCB của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh. Điều này mang đến nguồn cảm hứng, tiếp sức như thế nào cho các tuyển thủ khuyết tật của chúng ta thưa ông? Chúng ta hy vọng giành huy chương vào những VĐV nào?

Ông Phạm Văn Tuấn: Chắc chắn rằng sự thành công của Olympic, cụ thể là Hoàng Xuân Vinh có những tác động rất lớn đến đoàn thể thao người khuyết tật VN. Vì thành tích đó, niềm tự hào đó, cũng như niềm tin yêu của nhân dân cả nước, không có lý do gì mà không tác động tích cự đến đoàn VĐV dự Paralympic kỳ này. Tôi cho rằng đó là động lực to lớn cho các VĐV khuyết tật nỗ lực hết mình để đạt thành tích cao nhất.

Trong sự tính toán của Ban huấn luyện, đã đặt niềm tin vào 3-4 VĐV có khả năng tranh chấp huy chương. Còn VĐV nào thì tôi xin không nêu tên cụ thể, vì trong đấu trường lớn như thế này, ngoài chuyên môn còn những vấn đề tâm lý, hơn nữa chúng ta cũng cần giấu quân, tránh những tác động không tốt.

Nhưng tôi bảo đảm chúng ta có 3 đến 4 VĐV có thể tranh chấp huy chương.

VOH: Từ trước đến nay thì các VĐV khuyết tật thường chịu nhiều thiệt thòi. Hiện nay thì các chế độ cho VĐV khuyết tật đã được cải thiện ra sao với sự góp sức của ngành thể thao cũng như của xã hội, thưa ông?

Ông Phạm Văn Tuấn: Nếu so với quốc tế thì chắc chắn chúng ta không bằng. Nhưng nếu so với điều kiện trong nước, tôi cho rằng Bộ VH-TT-DL, Tổng cục TDTT đã làm hết sức mình, chăm lo một cách đầy đủ nhất trong điều kiện hiện nay.

Tôi bảo đảm các HLV, VĐV rất vừa lòng với những gì nhà nước đầu tư thời gian qua. Qua làn sóng Đài TNND TP, tôi cũng xin cảm ơn những tấm lòng, những hỗ trợ của các Doanh nghiệp, xã hội trong thời gian qua đã hỗ trợ cho các VĐV, nhất là những VĐV có thành tích.

Tôi nghĩ rằng, ở Paralympic 2016, nếu các VĐV khuyết tật đạt thành tích cao sẽ gây thêm tiếng vang nữa cho xã hội quan tâm nhiều hơn đến người khuyết tật và để người khuyết tật tự hào rằng cũng đóng góp một phần vào sự phát triển của xã hội, và bản thân người khuyết tật có thể tự tin hòa nhập với cuộc sống.

VOH : Cảm ơn ông!