Chủ nhà Qatar mạnh tay với việc xóa bỏ vấn nạn vé giả tại World Cup
Bên cạnh giá bản quyền, vé xem các trận đấu tại World Cup 2022 cũng nhận được sự quan tâm lớn. Mới đây nhất, phía nước chủ nhà Qatar nhấn mạnh, nếu ai đó sở hữu tấm vé xem World Cup 2022 không phải do chính mình đăng ký mà thông qua việc mua lại hay chuyển nhượng, sẽ lập tức bị phạt 69.000 USD (khoảng 1,6 tỷ đồng).
Được biết những đợt đầu mở bán vé xem vòng chung kết World Cup 2022 qua mạng, khu vực Đông Nam Á, trong đó có cả Việt Nam rất nhiều người đã đăng ký mua vé xem World Cup Qatar.
Nạn vé giả hoặc vé chợ đen luôn tràn lan ở những trận đấu lớn. Trận chung kết Champions League mùa giải vừa qua tại Stade de France là ví dụ rõ nhất. Nhưng nước chủ nhà Qatar tuyên chiến với nạn vé giả hoặc vé chợ đen bằng cách đánh mạnh vào ví tiền của người dùng vé giả hoặc vé không chính chủ.
Với công bố này của Bộ nội vụ Qatar, có lẽ những người hâm mộ sang Qatar xem World Cup sẽ rất cẩn thận với việc sở hữu vé, đồng thời 'phe vé' sẽ không còn cơ hội trục lợi, bán giá vé 'cắt cổ' cho người mua.
Đây không phải là lần duy nhất nước chủ nhà World Cup 2022 gay gắt trong các công tác tổ chức. Trước đó, luật Qatar nghiêm cấm tình dục ngoài hôn nhân. CĐV tới tham dự VCK World Cup tại quốc gia Trung Đông này sẽ bị phạt tù 7 năm nếu bị bắt gặp có quan hệ ngoài luồng.
Chile tiếp tục kiện để Ecuador không được dự World Cup
Liên đoàn bóng đá Chile đang kháng cáo quyết định để Ecuador dự World Cup 2022 của FIFA. Trước đó, Chile cho rằng Ecuador đã sử dụng một cầu thủ không đủ điều kiện để đá vòng loại nhưng FIFA đã bỏ qua khiếu nại này.
Vào ngày 10 tháng 6, FIFA đã ra phán quyết rằng Ecuador vẫn có thể dự World Cup sau khi LĐBĐ Chile cho biết họ có bằng chứng rằng Byron Castillo (Ecuador) không sinh ra ở thành phố General Villamil Playas của Ecuador vào năm 1998 như đã nêu trong hồ sơ.
Chile tiếp tục tuyên bố rằng Castillo thực ra sinh ra ở Tumaco, Colombia, vào năm 1995 và cầu thủ này đã sử dụng hồ sơ giả để chơi 8/18 trận của Ecuador ở vòng loại World Cup.
Jorge Yunge, Tổng thư ký Liên đoàn bóng đá Chile, cho biết: “Chúng tôi hoàn toàn chắc chắn về kết luận điều tra của mình. Rõ ràng là cầu thủ này đã sử dụng một tài liệu bị làm giả của Ecuador. Điều đang bị đe dọa ở đây không chỉ là một vị trí tại World Cup 2022, mà là toàn bộ nguyên tắc công bằng”.
Những thay đổi mới của luật việt vị: Liệu có công bằng?
FIFA mới đây đã công bố sửa đổi vài điều trong luật việt vị. Những thay đổi này sẽ ngay lập tức được áp dụng tại giải Ngoại hạng Anh mùa tới. Để có thể nói một cách dễ hiểu, sự thay đổi này là như sau: Khi cầu thủ của đội bị thủng lưới chơi bóng có chủ đích và đưa bóng đến chân cầu thủ ghi bàn của đối thủ, bàn thắng vẫn sẽ không được công nhận nếu người ghi bàn ở thế việt vị trong lúc bóng chạm đồng đội gần nhất trước đó.
Phút 80 trận đấu giữa Pháp và Tây Ban Nha ở chung kết Nations League vào ngày 10/10, Mbappe đứng dưới hàng thủ đối phương khi nhận đường chuyền của Theo Hernandez. Hậu vệ Tây Ban Nha Eric Garcia nhoài người cản phá đường chuyền và khẽ chạm vào bóng. Mbappe thoát xuống và đánh bại Unai Simon trong pha đối mặt. Trọng tài chính Anthony Taylor không kiểm tra băng ghi hình mà chỉ nghe ý kiến tư vấn từ tổ VAR, công nhận bàn ấn định tỷ số 2-1 cho Pháp.
Tuy nhiên, nếu theo điều luật cũ thì quyết định của trọng tài Taylor là hoàn toàn chính xác. Trong pha bóng đó, Mbappe đã không tác động vào tình huống, còn Garcia đã thực hiện một pha chơi bóng có chủ đích (cố ý phá bóng). Nếu áp dụng theo luật mới, Mbappe đã việt vị trong tình huống này.
Ngoài ra, điều luật mới này cũng được áp dụng trong những tình huống va chạm. Trong bàn thắng của Harry Kane trên chấm phạt đền trong trận đấu giữa Anh và Đức tại UEFA Nation League 2020, Kane đã bị phạm lỗi nhưng ở trong thế việt vị, quả bóng khi đó đã chạm nhẹ vào người Rudiger sau đường chuyền của Jack Grealish.
Có thể thấy, những sự thay đổi về luật việt vị của FIFA có thể sẽ còn nhiều lỗ hổng, tuy vậy đây có lẽ là những câu trả lời tốt nhất ở thời điểm hiện tại cho các tình huống tranh cãi ở trong quá khứ.