5 tháng đầu năm 2015: Xuất khẩu trái cây và rau quả đạt 629 triệu USD

(VOH) - Theo Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, tổng giá trị xuất khẩu 5 tháng đầu năm đạt là 11,4 tỷ USD, giảm 7,3% so với cùng kỳ năm 2014. Mặc dù nhóm hàng nông lâm thủy sản đã và đang gặp nhiều khó khăn khi những tháng qua kim ngạch xuất khẩu liên tục giảm, tuy nhiên xuất khẩu rau quả, trái cây vẫn đạt được con số ấn tượng.

Thanh long là trái cây có sản lượng xuất khẩu khá cao hiện nay (Ảnh: Lan Hương)

Theo đó, xuất khẩu trái cây và rau quả trong 5 tháng qua đạt 629 triệu USD tăng về doanh thu so với cùng kỳ năm ngoái. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn Lê Quốc Doanh cho hay: “Xuất khẩu trái cây năm nay tăng về lượng và giá trị khoảng 15% trong 5 tháng qua. Cho nên các tỉnh phải xác định đây là sản phẩm hàng hóa rất nhiều dư địa. Mỹ, Úc, New Zealand, EU, mới đây là Nhật - những nước rất khó tính đã mở cửa với xoài, thanh long ruột trắng. Chúng tôi đang đàm phán đưa thanh long ruột đỏ vào các thị trường này”.

Từ đầu năm đến nay, nước ta đã xuất khẩu gần 900.000 tấn trái cây, dẫn đầu là thanh long với 350.000 tấn, kế đến là dưa hấu 250.000 tấn, nhãn 110.000 tấn và chuối 30.000 tấn. Trái cây và rau củ Việt Nam đã xuất khẩu đến hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ. 10 thị trường hàng đầu là Trung Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Nga, Đài Loan, Hàn Quốc, Indonesia, Hà Lan, Thái Lan và Singapore.

Xuất khẩu trái cây, rau quả của nước ta đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ trong 5 năm qua, từ mức 439 triệu USD trong năm 2009 lên 1,49 tỉ USD trong năm 2014. TS Nguyễn Hữu Đạt, Giám đốc Trung tâm kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu 2, Cục Bảo vệ thực vật phân tích : “Có được thành quả này đầu tiên phải ca ngợi sự nỗ lực của nông dân - đã áp dụng được khoa học kỹ thuật, thao tác nông nghiệp tốt, từ đó cho ra sản phẩm vừa sạch dịch hại, vừa đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Kế tiếp là doanh nghiệp linh hoạt có thể xuất khẩu sản lượng lớn đi tất cả các thị trường. Quan trọng hơn là chúng ta giữ được chất lượng trái cây và nguồn hàng quanh năm. “

Theo Cục Trồng trọt, diện tích cây ăn trái vùng Nam bộ hiện có khoảng 466.000 ha, sản lượng khoảng 4,6 triệu tấn/năm, chiếm 56,2% diện tích, 62% sản lượng trên cả nước. Riêng vùng ĐBSCL đã trồng được hơn 288.000 ha cây ăn trái các loại. Việc sản xuất trái cây nghịch vụ hoặc rải vụ là một trong những lợi thế của Nam bộ mà đặc biệt là vùng ĐBSCL. Cần nói thêm là vùng sản xuất nhãn, vải, chuối ở các tỉnh phía Bắc đã vào hướng phát triển theo tiêu chuẩn GAP. Tuy nhiên để lợi thế này tiếp tục được phát huy,  vai trò của doanh nghiệp tham gia trong chuỗi liên kết có ý nghĩa rất quan trọng.

Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn quy hoạch vùng cây ăn trái chủ lực tập trung và định hướng rải vụ cho 12 giống cây trồng gồm: thanh long, xoài, chôm chôm, sầu riêng, vú sữa, bưởi, nhãn, chuối, dứa, cam, mãng cầu và quýt. Trên cơ sở này, các tỉnh triển khai đến tận nhà vườn thực hiện và bước đầu mang lại hiệu quả. Đây có thể xem là một trong những giải pháp kỹ thuật giúp điều tiết thị trường, qua đó giúp mặt hàng trái cây xuất khẩu ổn định.