Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong lĩnh vực điện máy

(VOH) - Ngày 12/8, Bộ Công Thương và công ty LG Electronics Vietnam tổ chức hội thảo “Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong lĩnh vực điện máy”.
Thị trường điện máy ngày càng phát triển đem lại nhiều cơ hội cho người tiêu dùng trong việc lựa chọn, thỏa mãn nhu cầu đời sống. (ảnh minh họa: TPO)

Theo báo cáo của công ty nghiên cứu thị trường GFK, chi tiêu cho các sản phẩm điện tử tiêu dùng tại Việt Nam quý I/2014 xấp xỉ 35 ngàn tỷ đồng, tăng 27,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, mặt hàng điện thoại tăng 37%, máy tính bảng tăng 220%, các mặt hàng điện tử gia dụng như tivi, dàn âm thanh, tủ lạnh, điều hòa... đạt mức tăng 20%.

Tuy nhiên, người tiêu dùng đang phải đối mặt với một loạt hành vi vi phạm quyền lợi như bán hàng hóa kém chất lượng với giá cao, cung cấp những thông tin sai lệch, gian dối gây nhầm lẫn về hàng hóa, dịch vụ; khuyến mại không trung thực; không cung cấp hóa đơn chứng từ, từ chối bảo hành... Theo ông Cao Xuân Quảng - trưởng phòng bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng - Cục quản lý cạnh tranh - Bộ Công thương, doanh nghiệp phải có trách nhiệm với người tiêu dùng nhiều hơn: “Một số trách nhiệm của doanh nghiệp trong lĩnh vực điện máy chính là bảo vệ thông tin của người tiêu dùng, cung cấp thông tin, trách nhiệm liên quan đến ghi nhãn, niêm yết giá. Các trung tâm điện máy lớn  hiện đã thực hiện nghiêm túc, nhưng tại các trung tâm, cửa hàng nhỏ thì thực tế trách nhiệm này chưa được thực hiện đầy đủ”.


Một yêu cầu bức thiết đặt ra là phải thực thi hiệu quả quy định của luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Ông Nguyễn Phương Nam - phó Cục trưởng Cục quản lý cạnh tranh Bộ công thương nhìn nhận: “Hàng điện máy rất quan trọng trong cuộc sống hằng ngày nhưng dịch vụ đáp ứng cho người tiêu dùng vẫn chưa được tốt, chính vì vậy thông qua các buổi hội nghị chúng tôi hy vọng cảnh tỉnh các nhà kinh doanh cung ứng hàng hóa dịch vụ trong lĩnh vực điện máy thấy rõ làm thế nào đáp ứng cho người tiêu dùng một cách tốt hơn. Chúng ta luôn luôn đặt ra khách hàng là thượng đế, nhưng các thượng đế không được tôn trọng”.

 Theo bà Phan Thị Việt Thu - Phó chủ tịch Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TPHCM  việc xử lý giải quyết khiếu nại người tiêu dùng hiện nay còn bỏ ngỏ. Trước khi có luật, Sở Công thương giải quyết khiếu nại cho người tiêu dùng, nhưng hiện nay việc giải quyết khiếu nại nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng chỉ mới dừng lại ở Cục quản lý cạnh tranh, tức là ở cấp trung ương. Tại TP.HCM cũng như nhiều tỉnh thành chưa có một cơ quan nào ở cấp quận, huyện chịu trách nhiệm tiếp nhận khiếu nại của người tiêu dùng. Trong luật quy định, Ủy Ban nhân dân quận huyện cũng phải có trách nhiệm giải quyết, nhưng hiện nay không có Ủy ban nhân dân quận huyện nào chịu trách nhiệm. Khi người tiêu dùng khiếu nại, chỉ có một con đường là nhờ tòa án giải quyết. Bà Thu chia sẻ : “Đối với người tiêu dùng thì hầu hết khi bị vi phạm quyền lợi, thường ngại tốn thời gian khiếu nại do giá trị hàng hóa không lớn nên hay bỏ qua. Chính tâm lý này đã làm các doanh nghiệp coi thường trách nhiệm của mình, đồng nghĩa coi thường luật pháp; bên cạnh đó thì lại không có 1 cơ quan quản lý nhà nước nào đứng ra thực hiện các biện pháp chế tài đối với các doanh nghiệp. Như vậy người tiêu dùng Việt Nam vẫn là thành phần yếu thế, tiếp tục chịu nhiều thiệt thòi trong việc mua sắm".