Bị hủy niêm yết hơn 700 triệu cổ phiếu, FLC đề nghị cơ quan quản lý xem xét lại

(VOH) - Lãnh đạo FLC đã có công văn kiến nghị cơ quan quản lý xem xét lại về việc hủy niêm yết cổ phiếu FLC

Ngay sau khi Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HOSE) có thông tin về việc hủy niêm yết cổ phiếu FLC của Công ty CP Tập đoàn FLC (FLC), chiều ngày 14/2, lãnh đạo FLC đã có công văn kiến nghị cơ quan quản lý xem xét lại về việc hủy niêm yết cổ phiếu FLC, trong đó có xem xét lý do khách quan như hoàn cảnh bất khả kháng của doanh nghiệp…

Bị hủy niêm yết hơn 700 triệu cổ phiếu, FLC đề nghị cơ quan quản lý xem xét lại 1
700 triệu cổ phiếu FLC của Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC bị hủy niêm yết vào ngày 20/2 tới

Văn bản FLC nêu rõ, trong thời gian gần đây, Tập đoàn FLC và các đơn vị thành viên phải đối mặt với nhiều nguy cơ, khó khăn trong quá trình hoạt động do bị ảnh hưởng trực tiếp bởi các thông tin cũng như các vấn đề phát sinh liên quan đến việc một số cựu lãnh đạo bị tạm giam để điều tra.

Một trong những ảnh hưởng nghiêm trọng từ sự việc nêu trên là trong thời gian dài, Tập đoàn FLC không thể tìm kiếm được Công ty kiểm toán chấp thuận kiểm toán cho báo cáo tài chính của FLC.

Sau rất nhiều nỗ lực, ngày 20/9/2022, FLC đã chính thức ký kết hợp đồng cung cấp dịch vụ kiểm toán với Công ty TNHH Kiểm toán và Tư vấn UHY. Theo đó, UHY sẽ là đơn vị cung cấp dịch vụ kiểm toán các báo cáo tài chính năm 2021 của FLC.

Tuy nhiên, do nhiều lý do khách quan, đến thời điểm hiện tại, FLC vẫn chưa nhận được kết quả kiểm toán của UHY. Xác định việc chưa có Báo cáo kiểm toán xuất phát từ các nguyên nhân bất khả kháng, FLC đã liên tiếp có văn bản gửi các cơ quan quản lý nhà nước để giải trình và kiến nghị xem xét, hỗ trợ.

Trước đó, Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM ra thông báo về việc hủy niêm yết hơn 700 triệu cổ phiếu FLC của Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC. Giá trị chứng khoán bị hủy niêm yết là 7.100 tỷ đồng. Ngày hủy niêm yết có hiệu lực là ngày 20/2.

Nguyên nhân được HOSE đưa ra là do FLC vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin và các trường hợp khác mà Sở Giao dịch Chứng khoán và Ủy ban Chứng khoán xét thấy cần thiết phải hủy niêm yết nhằm bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư, thuộc trường hợp chứng khoán bị hủy niêm yết bắt buộc theo quy định.

Tại phiên họp bất thường hồi đầu tháng 2, đại diện FLC cho biết doanh nghiệp này có hơn 64.700 cổ đông. Theo Nghị định 155, cổ phiếu của công ty hủy bỏ niêm yết nhưng vẫn đáp ứng điều kiện là công ty đại chúng phải đăng ký giao dịch trên UPCoM.

Như vậy, sau khi bị hủy niêm yết bắt buộc trên sàn HOSE, cổ phiếu FLC nhiều khả năng sẽ được giao dịch trên sàn UPCoM.