Cách tiếp cận mới trong phát triển ngành ca cao

(VOH) - Cần có cách tiếp cận mới thông qua những chính sách đầu tư hợp lý sẽ giúp ngành ca cao phát triển bền vững hơn. Đây là những ý kiến tại cuộc họp của Ban điều phối phát triển ca cao Việt Nam diễn ra sáng 15/1 tại TPHCM.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh phát biểu tại hội nghị.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh nhìn nhận ca cao là cây có rất nhiều tiềm năng để phát triển cả trong ngắn hạn và dài hạn. Đây là cây trồng xen cũng được và trồng thuần cũng rất tốt nhưng điều đáng buồn là thời gian qua diện tích ca cao cứ giảm và nhiều nơi người nông dân vẫn chưa mặn mà với loại cây trồng này. Thực trạng đó đòi hỏi ngành chức năng, các địa phương cần làm rõ để tìm lời giải đáp phù hợp trong bối cảnh dư địa phát triển ca cao vẫn còn nhiều.

Theo quy hoạch của Bộ NN&PTNT, đến năm 2020, diện tích ca cao cả nước đạt 50.000 hecta thế nhưng đến nay, cả nước mới chỉ có khoảng 16.800 hecta, trong đó đáng lưu ý là trong 3 năm trở lại đây diện tích ca cao liên tục giảm. Năm 2014 tổng sản lượng ca cao cả nước làm ra chỉ có 6434 tấn với năng suất bình quân 8 tạ/1 hecta. Con số còn quá khiêm tốn, đòi hỏi ngành ca ca cao cần có cách tiếp cận mới nhằm phát huy lợi thế.

Rõ ràng thời gian qua việc đầu tư phát triển ca cao của chúng ta chưa thật hợp lý. Vì đa số, các chương trình dự án phát triển ca cao đều đưa về các vùng sâu vùng xa, nhưng mức độ tài chính cũng như trình độ kỹ thuật của bà con ở đây còn hạn chế. Điều này làm cho chương trình phát triển ca cao không có hiệu quả và sức lan tỏa kém do khi dự án kết thúc cũng là lúc cây ca cao bị thay thế bằng cây trồng khác có sức hấp dẫn hơn. Nếu chính sách ban đầu chọn đúng hạt nhân đầu tư là cả doanh nghiệp và người nông dân có thể tính hiệu quả đã thể hiện. Bởi chỉ có sự tham gia mạnh từ doanh nghiệp thì sức bền của một ngành hàng mới được kéo dài đủ để vượt qua những giai đoạn khó khăn.