Cần đánh giá đúng hơn về các dự án tại Tổng công ty SAMCO

(VOH) Tổng công ty cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn - TNHH một thành viên (SAMCO) là doanh nghiệp nhà nước thành lập theo mô hình công ty mẹ-con, được Chính phủ quy hoạch là một trong 4 tổng công ty đảm nhiệm vai trò nòng cốt phát triển ngành công nghiệp ô tô VN, kinh doanh đa ngành đa nghề, đa lĩnh vực. Nếu như trước năm 2010, mức tăng trưởng bình quân 15%/năm, doanh thu hàng năm 14.000 tỷ, nộp ngân sách khoảng 2.500 tỷ, thì nay tốc độ này chững lại và có chiều hướng đi xuống. Trong gian đoạn hiện nay, việc kinh doanh hay tốc độ tăng trưởng không như mong muốn là yếu tố chung của các DN. Nhưng khi nhìn vào thực tế, việc sử dụng vốn ngân sách nhà nước tại SAMCO chưa thật sự hiệu quả và có phần lãng phí.
Cảng Phú Định được đầu tư 398 tỉ đồng (giai đoạn 1) nhưng hiện nay không có nhiều tàu lớn cập cảng như kỳ vọng.

Cụ thể, có 4 nhóm ngành được xem là chủ lực nhưng khi đơn vị này đầu tư vào không có lãi hoặc lãi ít, thậm chí thua lỗ, đó là cảng sông Phú Định, vận tải công cộng, vận tải biển (Sài Gòn Ship), sản xuất tàu sông tàu biển (Công ty đóng tàu An Phú). Trong 1.200 tỷ đồng ngân sách hỗ trợ của thành phố thì 4 nhóm ngành trên chiếm 50% kinh phí đầu tư nhưng không đem lại hiệu quả. Ông Phạm Quốc Tài, Phó tổng giám đốc SAMCO nhận xét:

 

Trước yêu cầu tái cấu trúc lại Tổng công ty, những dự án trên cần phải nhìn nhận lại một cách đúng mức để tránh lãng phí và đầu tư không hiệu quả. Cụ thể, cảng sông Phú Định với quy mô 50 ha, đầu tư bằng vốn ngân sách gần 400 tỷ đồng, do công ty TNHH một thành viên Cảng sông thành phố làm chủ đầu tư, giai đoạn 1 đi vào hoạt động tháng 9/2011, gồm 11 cầu cảng tải trọng từ 300 đến 375 tấn. Đây là cầu cảng được xây trên kênh cấp 3, nhưng theo quy định loại kênh này chỉ cho phép những tàu có tải trọng dưới 400 tấn đi qua, nhưng cầu lớn nhất trong 11 cầu cảng sông Phú Định chỉ được phép cho tàu từ 275 tấn trở xuống. Nếu xét nhu cầu vận tải đường sông để phục vụ cho đô thị lớn như TP.HCM và khu vực đồng bằng sông cửu long, thì hiện nay hầu như không có loại tàu nào vào đây được. Thực tế cho thấy các loại tàu nhỏ dưới 10 tấn chỉ cập vào các bến sông, rạch để giao thương, còn các tàu lớn hơn thì tải trọng vượt mức để vào cảng (trên 400 tấn) xem như cảng “bỏ không”. Một hệ lụy tiếp theo là các kho bãi để chứa hàng tại cảng cũng “vườn không nhà trống”, do không có tàu đủ tiêu chuẩn để vào đây phục vụ cho các kho cảng. Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Phó chủ tịch UBND quận 8 nói:

 

Không hơn gì dự án cảng sông Phú Định, vận tải biển (Sài Gòn ship) cũng lỗ triền miên, đến giờ phút này vẫn chưa có lối ra, nếu không muốn nói là đang đứng trước bờ vực phá sản. Thực chất Sài Gòn Ship chỉ có hai chiếc tàu để vận hành, hiện tại đang rao bán nhưng cũng rất khó khăn, còn cho thuê thì giá thấp, buộc phải thâm vào vốn ngân sách để nuôi sống doanh nghiệp này. Riêng với công ty đóng tàu An Phú, trong nhiều năm qua cũng chẳng có đơn đặt hàng để đóng tàu, đây cũng là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước.

Nếu nhìn trên mặt bằng chung về ngành công nghiệp tàu thủy Việt Nam thì công ty đóng tàu An Phú không thể nào cạnh tranh và cũng không ai đặt hàng cho doanh nghiệp nhỏ như vậy. Hàng năm, doanh nghiệp này vẫn duy trì mức lãi, chỉ vài triệu đồng để khỏi lỗ, nhưng thực chất cũng đang ở mép vực. Một vấn đề khó khăn khác, là đầu tư hạ tầng để kết nối vào các khu cảng này vẫn chưa hoàn thành, gây khó khăn cho việc trung chuyển, giao thương. Ông Văn Đức Mười, thành viên Ban kinh tế và ngân sách HĐND thành phố, cho rằng:

 

Theo ông Phạm Văn Thông, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn - SAMCO cho biết, “sở dĩ có tình trạng trên là do khó khăn về chính sách và nguồn vốn. Trước mắt, để tránh lãng phí, Tổng công ty tập trung vào khai thác những dự án nào đã hoàn thành”. Ông Phạm Văn Thông, cho biết thêm:

 

Trong nhiều cuộc hội thảo về tái cấu trúc kinh tế thành phố, ông Lê Mạnh Hà, Phó chủ tịch UBND TP nhấn mạnh “Thành phố sẵn sàng hỗ trợ cho doanh nghiệp nếu chọn hướng đi đúng và đầu tư hiệu quả, bên cạnh đó cũng nên mạnh dạn “xóa sổ”, tái cơ cấu lại các doanh nghiệp thua lỗ hay kinh doanh không hiệu quả”. Rõ ràng trong nhiều năm liền các dự án, doanh nghiệp tại Tổng công ty SAMCO làm ăn không hiệu quả, nhiều dự án đầu tư nhưng không khai thác được, rất lãng phí. Do đó, cần phải có cái nhìn cụ thể hơn về các dự án tại tổng công ty SAMCO.