Cần đổi mới mô hình phát triển và tái cơ cấu nền kinh tế

(VOH) - Năm 2007, Việt Nam gia nhập WTO, sự kiện này đánh dấu bước chuyển quan trọng của nền kinh tế. Tuy nhiên, bước ngoặt diễn ra trong 5 năm qua lại chưa theo hướng tích cực như kỳ vọng, nền kinh tế vẫn chưa thoát khỏi tình thế khó khăn. Kết quả này một phần bắt nguồn từ mâu thuẫn giữa cải cách trong nước không đi kịp và xung đột với diễn biến mới của môi trường nền kinh tế.

Ông Nguyễn Đức Thành- Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách cho rằng: “Mâu thuẫn lớn nhất của nền kinh tế Việt Nam theo quan điểm của chúng tôi là tư duy cố hữu khi chúng ta nghĩ rằng chúng ta có thể hội nhập với kinh tế thế giới mà vẫn duy trì mô hình theo ý chí của chúng ta. Mô hình đó là mô hình dựa trên một nền kinh tế được dẫn dắt bởi các doanh nghiệp nhà nước. Và chúng ta nghĩ rằng đó là những doanh nghiệp mà họ có đủ sức mạnh, trí tuệ và quy mô để họ xâm nhập thế giới; chúng ta hy vọng là một nền kinh tế có sự kiểm soát chặt chẽ hay định hướng của nhà nước sát sao thì chúng ta có thể tồn tại trong một xã hội mới như vậy. Và tôi cho rằng đó là một tư duy sai lầm trong việc duy trì cuộc sống của nền kinh tế Việt Nam hậu WTO”.

Ngân hàng phải có chính sách cụ thể hơn để cá nhân hay các doanh nghiệp tiếp cận vốn dễ dàng.ảnh minh họa: sasa

Tình trạng tăng trưởng cao kéo dài nhưng không bền vững ở Việt Nam chủ yếu xuất phát từ những nguyên nhân bên trong của nền kinh tế. Đó là cơ cấu kinh tế và mô hình tăng trưởng của Việt Nam đã trở nên lạc hậu và không còn động lực. Nền kinh tế Việt Nam thời gian qua chủ yếu là nền kinh tế giá trị gia tăng thấp, phụ thuộc vào khai thác tài nguyên và công nghiệp gia công, lắp ráp. Bên cạnh đó, hệ thống thể chế thị trường không đồng bộ, môi trường kinh doanh chưa minh bạch, cùng với việc tăng trưởng nóng, tăng trưởng đánh đổi với lạm phát đã dẫn đến tình trạng bất ổn vĩ mô. PGS.TS Trần Đình Thiên- Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam khuyến cáo: “Chúng ta đang thực thi một mô hình tăng trưởng đánh đổi với lạm phát, khi tăng trưởng chưa biết ai được hưởng, nhưng lạm phát thì chắc chắn mọi người đều phải chịu, đặc biệt là người nghèo. Chúng ta tăng trưởng theo kiểu như thế thì chắc chắn đến một lúc nào đó sẽ rơi xuống hố. Bây giờ làm thế nào để thoát khỏi kiểu tăng trưởng như vậy

không phải là dễ. Không có một quyết tâm thật sự mạnh thì cái giá phải trả cho phục hồi tăng trưởng của Việt Nam sẽ rất cao.”

Do đó, tính tất yếu của yêu cầu đổi mới mô hình tăng trưởng và tái cơ cấu nền kinh tế đang trở nên vô cùng cấp thiết. Tái cơ cấu nền kinh tế ở đây bao gồm tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (tái cơ cấu danh mục đầu tư, ngành nghề kinh doanh, tập trung vào các ngành kinh doanh chính); tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng, các ngân hàng thương mại yếu kém, xử lý nợ xấu; tái cơ cấu đầu tư công, phân bố vốn tập trung hơn, khắc phục tình trạng đầu tư phân tán, dàn trải. TS Nguyễn Đình Cung– Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng: “Chúng ta sẽ thay đổi, tái cơ cấu làm cho thị trường phát triển tốt hơn và thị trường phải dẫn dắt chứ không phải quan chức nhà nước dẫn dắt trong việc phân bố nguồn lực. Động lực sẽ thay đổi ít nhất bây giờ là thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ phải giảm, độc quyền doanh nghiệp chỗ này chỗ kia chắc chắn sẽ phải bỏ, khuyến khích phát triển khu vực kinh tế tư nhân không có con đường nào khác bằng cải cách doanh nghiệp nhà nước. Chỉ có khi nào cải cách được doanh nghiệp nhà nước thì lúc đó tạo ra một sân chơi bình đẳng mà như chúng ta mong muốn thực sự, thì lúc đó cơ hội của khu vực kinh tế tư nhân mới mở ra”.


Không chỉ có doanh nghiệp nhà nước, bản thân các doanh nghiệp tư nhân cũng phải liên tục có sự đổi mới để tồn tại và sống sót trong môi trường cạnh tranh. Bà Nguyễn Thanh Hà– Giám đốc Công ty TNHH Tam Hà cho biết: “Tôi nghĩ trong thời điểm hiện nay, nền kinh tế có nhiều khó khăn, doanh nghiệp muốn tồn tại được thì mình phải có sự thay đổi, phải cấu trúc lại, phải xem xét lại các hoạt động của doanh nghiệp từ xưa đến bây giờ có hợp lý chưa, có phù hợp chưa”.

Bên cạnh đó, theo ông Đặng Quốc Tiến– Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Quân đội thì cần phải có sự phối hợp nhịp nhàng giữa các doanh nghiệp và ngân hàng: “Phải có chính sách vĩ mô, rồi đến các doanh nghiệp, rồi đến ngân hàng, cả 3 phải phối hợp với nhau, một mình ngân hàng chỉ như muối bỏ biển. Nó chỉ giải quyết được một số phân khúc phù hợp chứ còn để đại trà thì rất khó, mà đại trà thì chính sách vĩ mô phải mở ra. Ngân hàng phải có chính sách cụ thể hơn, ngay cả cá nhân hay các doanh nghiệp cũng thế, phải có các điều kiện để tiếp cận với vốn thì mới khơi thông được”.


Như vậy, điều quan trọng hiện nay chính là lựa chọn một mô hình phát triển, thực hiện những cải cách trong nước sao cho phù hợp với lộ trình hội nhập quốc tế. Đây là điều cần phải suy nghĩ kỹ trong việc quyết định con đường đi lên trong tương lai của nền kinh tế Việt Nam./.