Tiêu điểm: Nhân Humanity
Chờ...

Cần lắm những đồng tiền tiết kiệm

(VOH) - TPHCM là địa phương sử dụng hiệu quả các nguồn vốn, đặc biệt là vốn ODA để phát triển hạ tầng trong lĩnh vực giao thông, vận tải, công chính. Vốn ODA dành cho các dự án tại thành phố đến từ nhiều nguồn khác nhau, trong đó, vốn do Ngân hàng thế giới hỗ trợ đã và đang góp phần quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của TP.HCM. Qua quá trình thực hiện những dự án trên địa bàn, TPHCM đã rút ra nhiều bài học kinh nghiệm, trong đó có bài học về sự tiết kiệm trong đầu tư công trình….

Được sự cho phép của Thủ tướng Chính phủ, năm 2013, UBND TPHCM đã sử dụng 36,7 triệu đô la vốn còn dư từ dự án nâng cấp đô thị vay của Ngân hàng thế giới đầu tư xây dựng cầu Bông, cầu Hậu Giang, cầu Lê Văn Sỹ và cầu Kiệu. Sau khi thực hiện xong 4 dự án vừa nêu TPHCM tiếp tục dôi dư thêm số tiền lên đến gần 17 triệu đô la. Theo lãnh đạo Sở kế hoạch đầu tư, sở dĩ có việc này là do cách làm hiệu quả, sự nỗ lực lớn của TPHCM nói chung và của Ban quản lý đầu tư xây dựng công trình nâng cấp đô thị TPHCM nói riêng, kể cả công tác điều hành cho đến cách tổ chức đấu thầu, nên đã tiết kiệm được số vốn tương đối để đầu tư xây dựng nhiều công trình hạ tầng khác cho TPHCM.

Cầu Kiệu được đầu tư xây dựng từ vốn còn dư từ dự án nâng cấp đô thị vay của Ngân hàng thế giới  (ảnh: chinhphu)

Theo lãnh đạo đơn vị chủ đầu tư, ông Trần Trung Hậu, phó giám đốc Ban quản lý đầu tư xây dựng công trình nâng cấp đô thị TPHCM, cho biết: từ nguồn vốn tiết kiệm này, cấp thẩm quyền đã đồng ý đầu tư cho dự án nâng cấp và mở rộng đường Lũy Bán Bích - Tân Hóa, xây dựng cầu ông Đuông 1 và cầu ông Đuông 2 cùng một số dự án thành phần khác. Theo Sở kế hoạch đầu tư, để thuyết phục Ngân hàng Thế giới chấp thuận cho sử dụng số tiền này là việc cũng không hề đơn giản vì quy trình cho vay và các điều kiện vay hết sức nghiêm ngặt. Ban đầu TPHCM dự kiến sử dụng phần vốn còn lại đầu tư xây dựng cầu vượt tại nút giao Nguyễn Thái Sơn nhưng Ngân hàng thế giới không chấp nhận, cuối cùng bằng những cố gắng thuyết phục của các ngành chức năng Ngân hàng thế giới đồng ý cho thành phố đầu tư xây dựng dự án mở rộng đường Lũy Bán Bích - Tân Hóa và dự án xây dựng cầu ông Đuông 1 và 2 từ số tiền 17 triệu đô la tiết kiệm mà có.

Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân cho rằng, qua các dự án này có thể thấy, từ những chủ trương cho đến cách làm nếu không có hiệu quả thì chúng ta sẽ lãng phí một nguồn lực lớn. “Đầu tư hạ tầng đòi hỏi nguồn vốn rất lớn nếu không có cách làm, chỉ đạo cụ thể và không tiết kiệm thì nguồn lực lớn bị lãng phí, thậm chí tiêu cực. 37 triệu đô la để thực hiện những công trình hạ tầng như vậy nếu không tiết kiệm thì chúng ta sẽ tốn vài ngàn tỷ đồng”.



Tuyến đường Lũy Bán Bích - Tân Hóa có tổng chiều dài 4,8km đi qua các quận 6, 11 và Tân Phú. Đây là tuyến đường nối giữa nút giao thông Phú Lâm (Q.6) và nút giao thông Bà Quẹo (Q.Tân Bình, Q.Tân Phú). Toàn bộ nhà dân hai bên đường nói trên đã được đền bù giải tỏa cách đây hơn hai năm. Dự kiến trong tháng 9 sẽ tiến hành thi công mặt đường mở rộng lên 23m, trong đó lòng đường rộng 15m cho bốn làn xe lưu thông và 8m vỉa hè. Song song với thời gian này các dự án thành phần khác cũng sẽ được khẩn trương thực hiện. Theo hiệp định ký với Ngân hàng thế giới, nếu không hoàn thành trước ngày 31 tháng 12 năm 2014 thì Ngân hàng thế giới sẽ không giải ngân. Ông Trần Trung Hậu – Phó Giám đốc Ban quản lý đầu tư xây dựng công trình nâng cấp đô thị TPHCM cho hay, sẽ làm hết sức mình để dự án hoàn thành kịp tiến độ đề ra: “Muốn hay không thì tất cả các dự án nâng cấp đô thị phải kết thúc vào ngày 31-12-2014. Về phía Ban thì chúng tôi sẽ làm hết sức, hết trách nhiệm để tận dụng các nguồn vốn vay. Chúng tôi sẽ tập trung thi công quyết liệt để kịp thời gian”.




Không thể phủ nhận, TPHCM đã trải qua một giai đoạn tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và ổn định, vượt qua những thời điểm khó khăn chung của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới. Kinh tế phát triển cùng những biến đổi sâu sắc trong xã hội và những chuyển động đa chiều của kiến trúc đô thị. Nhiều công trình lớn, đường phố, khu đô thị và các khu nhà ở mới đã được xây dựng. Tại các khu vực nội thành, nhiều khu nhà lụp xụp, kém chất lượng đã được cải tạo, xây mới đưa tổng khối lượng xây lắp tăng đều theo mỗi năm. Sự thay đổi này không chỉ góp phần đáp ứng nhu cầu sản xuất, sinh hoạt và cải thiện môi trường sống cho nhân dân mà còn tạo ra một diện mạo kiến trúc đô thị mới. Tuy nhiên, kẹt xe, ngập nước hay ô nhiễm môi trường đã và đang là thách thức đối với thành phố. Điều đó nói lên một thực tế là hạ tầng cơ sở vẫn còn rất yếu, thiếu đồng bộ và chưa đảm bảo tiêu chuẩn tiện nghi của một đô thị trong điều kiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Muốn thay đổi điều này sẽ phải cần một nguồn kinh phí rất lớn. Chỉ tính riêng trong năm 2014 này, thành phố sẽ dành gần 17.000 tỷ đồng cho hạ tầng giao thông; trong đó, vốn ngân sách hơn 7.000 tỷ đồng, vốn ODA hơn 2.300 tỷ đồng.


Tiến tới một đô thị phát triển bền vững giải quyết bài toán vốn chưa phải là tất cả nhưng nó mang yếu tố cực kỳ quan trọng. Giải bài toán vốn không chỉ là huy động từ sức dân, từ các tổ chức quốc tế mà còn từ cách làm của cơ quan quản lý nhà nước, nếu làm việc bằng tinh thần trách nhiệm, sự quản lý, điều hành khoa học và bài bản, thì chắc chắc sẽ mang lại hiệu quả thiết thực. Rõ ràng là trong những năm qua, từ kết quả của sự nỗ lực của các ban ngành TPHCM, nhiều công trình hạ tầng mang tầm vóc quy mô đã được hình thành, từng bước cải thiện bộ mặt thành phố trên con đường tiến lên văn minh hiện đại./.

Bình luận