Chặng đường chống đô la hóa

(VOH) - Trong chặng đường chống đô la hóa, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đặt ra mục tiêu chấm dứt tình trạng đô la hóa nền kinh tế trước năm 2020. Với những giải pháp đã và đang được tiến hành, liệu NHNN có hoàn thành được mục tiêu này?

Việc NHNN điều chỉnh lãi suất gửi USD còn 0% cũng là một động thái tích cực trong việc loại trừ tâm lí găm giữ USD trong dân cũng như của giới đầu cơ. (ảnh minh họa: giacavattu

Thống kê của NHNN cho thấy, giai đoạn 2000 - 2003, tỷ trọng tiền gửi bằng ngoại tệ ở mức rất cao, chiếm khoảng 28 - 30% và lúc cao nhất là gần 32% trong tổng phương tiện thanh toán. Tuy nhiên, đến giai đoạn 2007 - 2011, con số này giảm dần về mức 20% và đến cuối năm 2015 thì chỉ xoay quanh mức 12%. Đây là thành công lớn trong công cuộc chống đô la hóa của Việt Nam từ năm 2011 đến nay.

Chấm dứt tình trạng đô la hóa vào năm 2020

Theo số liệu của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, chênh lệch giữa tổng cung và cầu USD năm 2015 là 3 tỷ USD. Do đó, thanh khoản USD năm 2015 trên thị trường vẫn bình ổn. Theo đánh giá của các chuyên gia, khi tâm lý găm giữ và đầu cơ USD bị triệt tiêu thì cung cầu USD trên thị trường sẽ trở nên cân đối và tỷ giá sẽ trở nên ổn định hơn. Mục tiêu chấm dứt tình trạng đô la hóa ở Việt Nam vào năm 2020 là hoàn toàn khả thi.

Chuyên gia kinh tế Cao Sỹ Kiêm, cho rằng theo tình hình tiến triển vừa qua, đặc biệt giai đoạn cuối năm 2014- 2015, cùng với những luật lệ chính sách đã sát hơn, hội nhập tốt hơn với kinh tế thị trường, kinh tế thế giới, đồng tiền của chúng ta cũng được củng cố hơn, khả năng thực hiện lộ trình chống đô la hóa là hoàn toàn có thể.

Có thể nói, thời gian qua NHNN đã thực hiện tốt các biện pháp chống đô la hóa nền kinh tế thông qua Thông tư 37 ban hành ngày 31/12/2013 bằng việc hạn chế cho vay ngoại tệ đối với các doanh nghiệp không có nguồn thu ngoại tệ. Lộ trình chống đô la hóa sẽ kéo dài đến năm 2020, nhưng hiện nay Chính phủ đã thực hiện thông qua việc tăng dự trữ bắt buộc đối với tiền gửi ngoại tệ và đưa ra danh mục không được phép cho vay ngoại tệ, giảm lãi suất huy động tiền gửi bằng ngoại tệ đối với cá nhân và doanh nghiệp. Theo mục tiêu đề ra, đến năm 2017 - 2018 sẽ không còn tiền gửi ngoại tệ và cho vay ngoại tệ trong hệ thống Ngân hàng thương mại.

“NHNN đã thành công trong việc giảm hiện tượng đô la hóa. Một trong những nguyên nhân dẫn đến thành công này là người dân đã tin tưởng vào tiền đồng. Qua những năm chúng ta có tỷ lệ lạm phát cao làm mất sự tin tưởng của người dân thì những năm sau này chúng ta kiểm soát lạm phát tốt hơn và người dân cảm thấy sự an toàn trong tiền đồng”, TS. Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia tài chính ngân hàng, đánh giá.

Giữ VNĐ có lợi hơn USD?!

Ngay từ những ngày đầu năm 2016, NHNN đã chính thức áp dụng cơ chế tỷ giá trung tâm, theo đó tỷ giá sẽ được niêm yết hàng ngày. Cách điều hành tỷ giá theo tỷ giá trung tâm mới đã giúp NHNN chủ động và tự tin hơn trong điều hành chính sách tỷ giá. Người nắm giữ USD khó có thể lời cao hơn nắm giữ VND. Xét về lâu dài, cầm USD không phải là thượng sách.

Trước đó, việc NHNN điều chỉnh lãi suất gửi USD còn 0% cũng là một động thái tích cực trong việc loại trừ tâm lí găm giữ USD trong dân cũng như của giới đầu cơ. Theo lộ trình điều hành tỷ giá của NHNN, sắp tới khách hàng gửi USD có thể bị thu phí và tiến đến việc quy định rút các nguồn thu hợp pháp ra khỏi ngân hàng phải được thực hiện bằng VND.

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh, phân tích: “Năm 2015, có nhiều tác động của thế giới như: đồng Nhân dân tệ bị phá giá, FED tăng lãi suất, giá dầu giảm,… đã tạo ra tâm lý kỳ vọng của thị trường là NHNN sẽ tăng tỷ giá và từ đó làm áp lực tăng tỷ giá lên NHNN. Do đó, năm 2016, phải xây dựng và điều hành tỷ giá theo cơ chế mới tức là ban hành tỷ giá trung tâm. Việc ban hành tỷ giá trung tâm này có trách nhiệm là sẽ đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo ổn định thị trường ngoại hối”.

Quan điểm điều hành chính sách tỷ giá của NHNN vẫn luôn nhất quán và kiên định mục tiêu ổn định thị trường ngoại hối, nâng cao vị thế của đồng Việt Nam, từ đó góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý.