Chính phủ họp 6 tháng đầu năm: Tăng trưởng kinh tế thấp hơn so với cùng kỳ

(VOH) - Chiều 30/6, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì phiên họp trực tuyến của Chính phủ với các địa phương về kinh tế - xã hội 6 tháng năm 2016.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch, tốc độ tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm ước tăng 5,52%. Chỉ số tiêu dùng (CPI) tháng 6 tăng 0,46% so với tháng trước. Lạm phát cơ bản bình quân 6 tháng đầu năm tăng 1,8% so với cùng kỳ năm trước. Tổng kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm ước đạt trên 82,24 tỷ USD, tăng 5,9% so với cùng kỳ. Thu hút vốn FDI tăng cao hơn nhiều so với năm trước, phát triển doanh nghiệp có bước chuyển biến mạnh mẽ nhờ tác động của việc thực thi Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư (sửa đổi) và các Nghị quyết của Chính phủ về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, trong 6 tháng đầu năm, số doanh nghiệp đăng ký tăng 20%, số vốn đăng ký tăng 51,5%.

Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2016. Ảnh: Thống Nhất - TTXVN

Bên cạnh những kết quả tích cực, tình hình kinh tế - xã hội trong những tháng đầu năm còn nhiều khó khăn, thách thức. Nền kinh tế phục hồi chậm, tốc độ tăng trưởng 6 tháng đầu năm thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước. Sự kiện “Brexit” của nước Anh đã có ảnh hưởng nhất định đến thị trường chứng khoán và giá vàng, ngoại tệ. Chỉ số chứng khoán giảm, trong khi giá vàng tăng lên 3 - 3,5%.

Bên cạnh báo cáo về tình hình kinh tế xã hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã trình bày các báo cáo về tình hình giải ngân đầu tư công. Theo đó, kết quả giải ngân đầu tư công 5 tháng đầu năm đạt gần 82.000 tỷ đồng, bằng 32,6% kế hoạch, tương đương cùng kỳ năm trước. Nhiều nguyên nhân giải ngân chậm được nêu ra là do khó khăn trong giải phóng mặt bằng, vướng mắc trong thủ tục giải ngân, thủ tục xây dựng...

Tại thành phố Hồ Chí Minh, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Nguyễn Thành Phong cũng đã báo cáo về tình hình kinh tế xã hội trên địa bàn trong 6 tháng đầu năm và đưa ra các nhiệm vụ giải pháp 6 tháng cuối năm.

Cụ thể, thành phố sẽ có các giải pháp tháo gỡ khó khăn  cho doanh nghiệp, tạo môi trường thuận lợi nhất cho phát triển sản xuất, kinh doanh, đầu tư. Trong đó, trọng tâm là phải rà soát, hoàn thiện, cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan; nắm bắt và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp về vốn, mặt bằng và đổi mới công nghệ…

Ông Nguyễn Thành Phong, cho biết: “Triển khai gói hỗ trợ doanh nghiệp 1.000 tỷ và các giải pháp hỗ trợ khác có liên quan để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 19 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và Nghị quyết 35 ngày 16/5 của Chính phủ về hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp đến năm 2020”.

Trên cơ sở đánh giá tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và dự báo cuối năm, Chính phủ đã đề ra 9 nhóm giải pháp nhằm phấn đấu đạt mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2016, tạo đà cho việc thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020. Trong đó, tiếp tục tổ chức thực hiện tốt Nghị quyết số 01, Nghị quyết số 19 và Nghị quyết số 35 của Chính phủ. Đồng thời thực hiện các biện pháp bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, bao gồm kiểm soát lạm phát, chính sách tiền tệ, tín dụng, chính sách tài khóa.

Bên cạnh đó, thực hiện mạnh mẽ các giải pháp tháo gỡ khó khăn, nâng cao năng suất, sức cạnh tranh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

“Đổi mới là rất quan trọng để giải phóng sức sản xuất, để người dân và doanh nghiệp làm những việc mà luật pháp không cấm. Vì thế cuộc tranh luận vừa qua cũng hết sức quyết liệt để chúng ta thực sự giải phóng sức sản xuất, tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp phát triển”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, nhấn mạnh.

Trong phiên họp ngày 1/7, các địa phương, các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ phát biểu ý kiến và Thủ tướng Chính phủ sẽ kết luận. Sau đó, các thành viên Chính phủ sẽ thông qua Nghị quyết của phiên họp./.