Chương trình bình ổn đã góp phần ổn định giá cả các mặt hàng thiết yếu phục vụ người dân (Ảnh: Lan Hương)
Năm 2014 là năm thứ 13 Thành phố thực hiện chương trình bình ổn thị trường và là năm thứ 2 áp dụng mô hình xã hội hóa, kết nối ngân hàng với doanh nghiệp thay cho tạm ứng vốn ngân sách.
Năm 2014 cũng là năm đầu tiên chương trình đưa vào sử dụng biểu trưng (logo) tại các điểm bán, xe lưu động, trên bao bì sản phẩm... giúp doanh nghiệp nâng cao uy tín, có thêm công cụ để quảng bá, xây dựng thương hiệu, giúp người tiêu dùng nhận biết, phân biệt và thuận tiện lực chọn, an tâm mua sắm hàng hóa của chương trình.
4 chương trình bình ổn thị trường áp dụng từ ngày 01/4/2014 đến 31/3/2015 đã có 76 doanh nghiệp gồm 8 ngân hàng và 68 doanh nghiệp sản xuất kinh doanh. Trong đó chương trình lương thực thực phẩm có 37 doanh nghiệp, chương trình mùa khai trường có 15 doanh nghiệp, chương trình sữa có 4 doanh nghiệp, chương trình dược có 12 doanh nghiệp.
Chương trình thực hiện kết nối ngân hàng để doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay với lãi suất phù hợp. Tổng nguồn vốn ngân hàng đăng ký cho vay là 8.300 tỷ đồng, tăng 6.340 tỷ đồng so với năm 2013. Lượng hàng hóa được cung ứng đầy đủ, dồi dào, đảm bảo khả năng chi phối thị trường. Chương trình lương thực thực phẩm cung ứng lượng hàng chiếm 25%-30% nhu cầu thị trường trong tháng thường và 30%-40% nhu cầu thị trường tháng Tết, tăng 25%-30% so kết quả thực hiện năm 2014. Riêng tháng Tết Ất Mùi 2015, các doanh nghiệp chuẩn bị lượng hàng tăng gấp 2-3 lần kế hoạch được giao, tổng giá trị lên đến 15.849,4 tỷ đồng.
Để phục vụ người dân tại vùng sâu, vùng xa, khu lưu trú công nhân... chương trình phân công 3 đơn vị chủ lực là Sài Gòn Co.op, SATRA và công ty Ba Huân làm đầu mối cùng doanh nghiệp trong chương trình tổ chức thành 3 nhóm, xây dựng kế hoạch và triển khai bán hàng lưu động theo địa bàn, tổ chức thực hiện 1.317 chuyến bán hàng lưu động, tăng 51 chuyến so 2013 với nhiều phương thức mới như bán hàng đăng ký, trước, giao hàng tận nhà, tổ chức các phiên chợ hàng Việt về nông thôn, phiên chợ công nhân tại các khu chế xuất- khu công nghiệp, khu lưu trú công nhân...
Về kế hoạch bình ổn thị trường trên địa bàn TPHCM năm 2015-2016, bà Nguyễn Thị Hồng – Phó chủ tịch UBND TPHCM chỉ đạo, chương trình phát triển theo hướng xã hội hóa, khai thác tối đa tiềm năng của các nguồn lực xã hội và tạo điều kiện cho các nguồn lực kết gắn cùng nhau để tăng cường hiệu quả chương trình, mở rộng quy mô và phát triển 4 chương trình bình ổn theo chiều sâu với hàng hóa tăng về số lượng chủng loại, chất lượng và với lượng ngân hàng doanh nghiệp tham gia nhiều hơn. Đồng thời, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư hiện đại hóa quy trình sản xuất và nâng cao năng lực quản trị cũng như tăng cường hợp tác với các đối tác phù hợp tại các tỉnh thành phố trong nước, nhất là các địa phương có quan hệ hợp tác thương mại với TP.HCM. Thúc đẩy phát triển mạng lưới điểm bán bình ổn thị trường sâu rộng trên địa bàn dân cư, và đẩy mạnh việc phân phối hàng bình ổn thị trường đến các bếp ăn tập thể phục vụ công nhân, người lao động.
Tại hội nghị sơ kết, Bộ Công Thương đã tặng kỷ niệm chương vì sự nghiệp phát triển ngành công thương Việt Nam cho bà Nguyễn Thị Hồng – Phó chủ tịch UBND TP.HCM, ông Lê Văn Khoa – Giám đốc Sở Công thương TP và bà Lê Ngọc Đào – Phó giám đốc Sở Công thương TP.
Bộ Công thương còn tặng thưởng cờ thi đua cho 7 đơn vị xuất sắc trong phong trào thi đua 2014; tặng thưởng bằng khen cho 36 tập thể và cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong công tác tham gia chương trình bình ổn thị trường 2014. Bên cạnh đó, UBND TP.HCM cũng tặng bằng khen cho 12 tập thể đã có thành tích tham gia đóng góp tích cực cho chương trình bình ổn thị trường 2014 và Tết Ất Mùi 2015.