Cơ hội và thách thức cho ngành gỗ Việt Nam

(VOH) - Để được nhập khẩu gỗ vào thị trường Mỹ, châu Âu, sắp tới đây doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải đối diện với những rào cản thương mại khắc khe. Những rào cản này phần nào sẽ giúp cho doanh nghiệp tuân thủ theo các thông lệ quốc tế và là cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu.

Trong vòng 5 năm qua, ngành chế biến gỗ Việt Nam tăng trưởng với tốc độ bình quân 30%/năm. Giá trị xuất nhập khẩu tăng từ 546 triệu USD năm 2000 lên 2,4 tỷ USD vào năm 2007 và 2,8 tỷ USD vào năm 2008. Năm 2009 mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề bởi suy thoái kinh tế toàn cầu nhưng kim ngạch xuất khẩu cả nước vẫn đạt gần 2,6 tỉ đô la, trong đó kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Mỹ đạt gần 1 tỷ USD; 5 tháng đầu năm 2010, xuất khẩu gỗ đạt 1,4 tỉ đô la.

Tuy nhiên, sắp tới đây, các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gỗ Việt Nam sẽ vướng các rào cản thương mại từ Mỹ và châu Âu. Cụ thể là đạo luật Lacey và FLEGT về cấm buôn bán gỗ bất hợp pháp. Luật Lacey áp dụng cho tất cả nhà cung cấp và nhà sản xuất gỗ phải tuân thủ về khai báo nguồn gốc gỗ cung cấp hợp pháp, nếu không sẽ bị kiện tại Mỹ. Luật FLEGT co cộng đồng châu Âu soạn thảo dựa trên đạo luật Lacey và sẽ chính thức áp dụng vào tháng 1/2012.

Ông Scott Poynton - giám đốc điều hành tổ chức phi chính phủ TFT ở Việt Nam cho biết còn nhiều vấn đề tồn đọng về mặt pháp lý trong cộng đồng kinh doanh gỗ ở Việt Nam như việc khai thác gỗ bất hợp pháp. Gỗ lậu vẫn đưa một cách hợp pháp vào Việt Nam sau đó trộn lẫn gỗ chính thức đem bán ra thị trường. Các quốc gia như Trung Quốc, Inđônêsia, Brazil, Nga,... cũng vi phạm tương tự. Hệ quả của gỗ khai thác trái phép sẽ gây ô nhiễm môi trường và làm thất thu nguồn ngân sách nhà nước. Ông Scott đề nghị Việt Nam cần có giải pháp phát triển bền vững, đáp ứng nhu cầu môi trường, xã hội, kinh tế để có chỗ đứng trên thị trường quốc tế, không phải về cạnh tranh giá cả mà về môi trường.

Theo ông Huỳnh Văn Hạnh, chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Thành phố cho biết, hiện nay doanh nghiệp còn chịu sức ép từ giá cả nguyên liệu gỗ. Trung bình Việt Nam nhập từ 70-80% nguyên liệu gỗ từ các nước châu Âu và Mỹ. Những tháng đầu năm nay, giá nguyên liệu gỗ tăng lên 30% - 45%. Đứng trước sức ép về giá cả, cộng thêm sức ép của đạo luật Lacey, ông Hạnh cho biết doanh nghiệp cũng đã có sự chuẩn bị từ trước:

Theo ông Nguyễn Tôn Quyền - phó chủ tịch Hiệp hội Gỗ Việt Nam cho biết từ năm 2005 đến nay Hiệp hội nhận được cảnh báo từ Đại sứ quán nhiều nước về khả năng kiện bán phá giá ngành gỗ Việt Nam. Khi luật Lacey áp dụng với doanh nghiệp Việt Nam đồng nghĩa với việc nhập khẩu và xuất khẩu gỗ của doanh nghiệp phải đạt 100% gỗ có nguồn gốc hợp pháp. Để làm được điều đó, doanh nghiệp phải đạt chứng chỉ FSC -chứng nhận gỗ có nguồn gốc hợp pháp và chứng chỉ COC - chứng nhận chuỗi hành trình sản phẩm.

Hiện nay, Việt Nam có 200 doanh nghiệp có chứng chỉ FSC và COC. Nhưng để được cấp 2 chứng chỉ này doanh nghiệp phải có vốn mạnh. Bên cạnh đó, việc yêu cầu chứng minh nguồn gốc gỗ sẽ gặp khó khăn nếu nguồn gỗ đó thu mua từ nước ngoài. Tại Việt Nam chưa có một đầu mối duy nhất gỗ nước ngoài nhập về. Vì thế mỗi doanh nghiệp tự tìm kiếm nguồn hàng và cũng kiêm luôn việc làm đầu mối buôn đi bán lại. Một doanh nghiệp cho biết việc thực thi luật sẽ gặp nhiều khó khăn nếu không có hành lang pháp lý cho hoạt động nhập khẩu gỗ ở Việt Nam.

Luật Lacey yêu cầu có một tổ chức trung gian đứng ra chứng nhận nguồn gốc gỗ cho doanh nghiệp, doanh nghiệp đề nghị thay vào đó nên có một trang thông tin điện tử đăng cung cấp địa chỉ các vùng gỗ cung ứng hợp pháp, doanh nghiệp chỉ cần vào đó tìm thông tin, không qua khâu trung gian và không e ngại mua phải nguồn gỗ bất hợp pháp. Cách làm này tiết kiệm chi phí rất nhiều so với việc thực hiện theo thủ tục bình thường.

Đại diện Hiệp hội gỗ Việt Nam, ông Nguyễn Tôn Quyền nêu góp ý:

Nhiều doanh nghiệp cho biết vẫn còn lúng túng với định nghĩa thế nào là gỗ hợp pháp, quy trình kiểm tra gỗ hợp pháp thế nào. Trường hợp, doanh nghiệp đã được cấp chứng chỉ FSC và COC nhưng chính phủ Mĩ vẫn nghi ngờ thì doanh nghiệp buộc phải có trách nhiệm giải trình. Thời gian đó doanh nghiệp sẽ gặp thiệt hại rất nhiều. Vì thế, cơ quan nhà nước cần xúc tiến đưa ra định nghĩa; những tiêu chuẩn hợp pháp về kinh doanh doanh gỗ; lập đơn vị cấp giấy chứng nhận nguồn gỗ hợp pháp để doanh nghiệp gỗ Việt Nam dựa vào đó xuất khẩu hàng hóa sang nước ngoài, hạn chế bị rào cản thương mại.

Ngọc Lê