"Cuộc cách mạng trắng" của nữ tướng

(VOH) - Với chiến lược đến với nông nghiệp, nông thôn, nông dân qua “cuộc cách mạng trắng”, Vinamilk đã chiếm thị phần trong nước 45%...

Bước cùng Vinamilk từ ngày đầu khó khăn đến thành công hôm nay, bà Mai Kiều Liên là người "hiểu" Vinamilk hơn ai hết.

Từ kỹ sư cho đến khi được tín nhiệm đề bạt lên vị trí quản lý rồi đảm nhận vị trí Tổng Giám đốc Vinamilk từ năm 1992, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc (2003 – 2015) đến nay là Tổng giám đốc, ở mỗi vị trí, bà Liên bằng tâm huyết, nhạy bén sáng tạo đã "chèo lái" con thuyền Vinamilk vượt qua khó khăn, trở thành doanh nghiệp số 1 trên thị trường sữa.

Đóng góp của Vinamilk và bà Mai Kiều Liên đã được vinh danh tại Đại hội Thi đua yêu nước Toàn quốc lần thứ IX-2015. 

Bà Mai Kiều Liên thay mặt Vinamilk báo cáo tại Đại hội Thi đua yêu nước Toàn quốc lần thứ IX.

"Cuộc cách mạng trắng"

Phong trào “Thi đua hiến kế tìm nguồn nguyên liệu, phục hồi sản xuất, đưa doanh nghiệp phát triển lớn mạnh và bền vững” là "chìa khóa" mở ra thành công cho Vinamilk.

Năm 1988, trước nhu cầu ngày càng tăng về sữa bột và nạn suy dinh dưỡng ở trẻ em Việt Nam, Vinamilk phục hồi thành công nhà máy sữa bột Dielac cung cấp nhiều sản phẩm sữa bột các loại và bột dinh dưỡng chất lượng cao cho trẻ em. 

Nhập bò sữa chất lượng từ các nước có kinh nghiệm chăn nuôi bò sữa, Vinamilk xây dựng hệ thống trang trại đạt chuẩn quốc tế Thực hành Nông nghiệp Tốt toàn cầu (Global G.A.P.).

Để chủ động nguồn nguyên liệu, bà Mai Kiều Liên cùng lãnh đạo Vinamilk định hướng xây dựng vùng nguyên liệu nội địa. “Cuộc cách mạng trắng” năm 1991 trong công ty ra đời.

Đó là mô hình liên kết nông dân mở rộng vùng chăn nuôi, đồng thời công ty tự hình thành các trang trại chăn nuôi bò sữa từ Bắc chí Nam, nâng tổng đàn từ 3.000 con (năm 1991) lên tới 113.000 con (năm 2015). Nhờ đó, Vinamilk chủ động 50% nguyên liệu sữa cho sản xuất, quyền lợi người chăn nuôi bò sữa được mở rộng. 

Khi Vinamilk cổ phần hóa, nông dân được mua cổ phần ưu đãi với giá bằng 70% mệnh giá, nhưng không có tiền mua, Vinamilk bảo lãnh vay vốn để mua. 

Xây dựng hệ thống nhà máy hiện đại nhằm chủ động, tự chủ trong sản xuất kinh doanh giúp Vinamilk phát triển vững mạnh trên thị trường.

Thành quả là từ 1991 cho đến trước cổ phần hóa 2003, với chiến lược trong “cuộc cách mạng trắng” kết hợp hiện đại hóa máy móc thiết bị, công nghệ, Vinamilk chiếm thị phần trong nước 45%, trong đó sữa đặc chiếm 75%; sữa tươi 53%; sữa chua các loại 90% và sữa bột 25%. 

Đến nay sản phẩm của Vinamilk đã có mặt ở 31 quốc gia trên thế giới, trong đó các thị trường khó tính như Mỹ, Anh, Đức Canada… đều đã hiện diện các sản phẩm Vinamilk, các cơ sở sản xuất, kinh doanh của Vinamilk đã được xây dựng tại Mỹ, Anh, Ba Lan, Newzealand, Campuchia đã góp phần không nhỏ đưa kim ngạch xuất khẩu đến nay đạt 200 triệu USD/năm, tăng gấp 2 lần  so năm 2014.

Thương hiệu Việt – Doanh nghiệp vì cộng đồng

Khẳng định thương hiệu trên thị trường trong nước, bà Mai Kiều Liên hướng tới mục tiêu đưa Vinamilk vươn ra toàn cầu và hướng đến cộng đồng qua nhiều chương trình thiện nguyện.

Bước ngoặt mang tầm nhìn chiến lược là việc Vinamilk quyết định cổ phần hóa (năm 2003). Sau cổ phần hóa với số vốn tăng, Vinamilk đầu tư phát triển.

Trong 5 năm gần đây, Vinamilk đạt tốc độ tăng trưởng ấn tượng. Doanh số trung bình tăng trên 20%/năm; Lợi nhuận tăng 15%/năm; Nộp ngân sách nhà nước trung bình trên 3.000 tỉ/năm. Công ty vươn lên top 100 công ty giá trị nhất ASEAN và top 50 doanh nghiệp niêm yết tốt nhất Việt Nam.

Vinamilk đặt chiến lược phát triển dài hạn trở thành một trong 50 công ty sữa lớn nhất thế giới vào năm 2017 với doanh số 3 tỷ USD.

Vinamilk hướng đến đầu tư ra nước ngoài và trở thành doanh nghiệp cộng đồng thông qua chương trình thiện nguyện như "Quỹ sữa vươn cao Việt Nam", "Quỹ 1 triệu cây xanh cho Việt Nam"...

Hướng đến cộng đồng, từ năm học 2002 – 2003, Quỹ học bổng “Vinamilk - Ươm mầm tài năng trẻ Việt Nam” với phạm vi chỉ 30 tỉnh, thành trong thời gian đầu tiến tới 63 tỉnh, thành cả nước, đã bền bỉ đem đến học sinh tiểu học trên toàn quốc hơn 34.000 suất học bổng, tổng giá trị khoảng 19 tỷ đồng.

Tiếp đó là Quỹ sữa “Vươn cao Việt Nam” ra đời năm 2008, hướng đến trẻ em hoàn cảnh khó khăn qua những hành động đơn giản nhưng thiết thực là trao tận tay các em những ly sữa bổ dưỡng góp phần hỗ trợ các em phát triển toàn diện. Đến nay, Quỹ sữa tiếp cận hơn 333.000 trẻ em hoàn cảnh khó khăn tại Việt Nam, đem tới cho các em gần 26 triệu ly sữa miễn phí, tương đương khoảng 94 tỉ đồng.