Đa dạng hóa hình thức huy động vốn dành cho hạ tầng.

(VOH) - Chính phủ đang xây dựng một số văn bản quy định pháp lý về mô hình Nhà nước và tư nhân cùng đầu tư cơ sở hạ tầng (gọi tắt là hình thức PPP). Cùng với nhiều hình thức mới đang được nghiên cứu, đây được coi là giải pháp tạo thêm nguồn tài chính Khi hàng loạt các công trình, đặc biệt là các công trình giao thông đang thiếu vốn thực hiện.

Theo Bộ kế hoạch và Đầu tư, dự kiến khả năng huy động vốn đầu tư phát triển toàn xã hội năm 2010 đạt 791 ngàn tỷ đồng, bằng 41% GDP, tăng 12% so với năm 2009. Con số này sẽ tiếp tục tăng lên trong những năm tiếp theo. Như vậy tìm ra nguồn tài chính đầu tư là một nhiệm vụ không hề đơn giản. Theo các chuyên gia, bên cạnh các hình thức huy động vốn trong và ngoài nước đã thực hiện trong thời gian qua như: BOT, BT… Việt Nam cần có thêm nhiều hình thức khác mà một số nước thực hiện đạt hiệu quả.

Một trong số đó là hình thức PPP. Theo ông Tony Pellegrinin, chuyên gia của Ngân hàng thế giới (WB) thì: PPP là hợp đồng được ký kết giữa cơ quan Nhà nước có thẩm quyền với nhà đầu tư tư nhân nhằm xây dựng công trình, cung cấp dịch vụ với một số tiêu chí riêng. Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền sẽ lập danh mục dự án ưu tiên đầu tư PPP hằng năm và tiến hành đấu thầu cạnh tranh để lựa chọn nhà đầu tư trong nước, nước ngoài đủ năng lực, kinh nghiệm nhất.

Dù tương đối lạ ở Việt Nam, song theo Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Hồ Nghĩa Dũng thì đây sẽ là xu hướng chủ yếu để đầu tư hạ tầng giao thông trong thời gian tới. Thực chất một số dự án trong nước thực hiện gần giống vốn theo hình thức PPP chẳng hạn như cầu Rạch Miễu, cầu Đồng Nai.

Thứ trưởng Thường trực Ngô Thịnh Đức cho rằng, với những khó khăn thực tế về khả năng hoàn vốn của các dự án đường cao tốc, việc cho phép nhà đầu tư được sử dụng nguồn vốn vay của WB thông qua hình thức PPP được coi là phương án huy động hiệu quả và khả thi nhất do nguồn vốn có lãi suất thấp, thời gian vay dài, giảm thiểu rủi ro cho nhà đầu tư khi thực hiện Dự án, đồng thời sẽ hạn chế được yêu cầu hỗ trợ tài chính từ ngân sách nhà nước.

Ngoài hình thức PPP, TP.HCM cũng đã đề nghị với Thủ tướng Chính Phủ cho phép các doanh nghiệp không phải là của Nhà nước được phép phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế.

UBNDTP dự kiến nhu cầu đầu tư trong giai đoạn 2011-2015 không dưới 170 ngàn tỷ đồng, tương đương 10 tỷ đô la (tức khoảng 34 ngàn tỷ mỗi năm. Có thể nói đây là con số quá lớn vượt ngoài khả năng chi tiêu của ngân sách. Để thực hiện được việc này, UBND TP đã đưa ra nhiều giải pháp, trong có có việc huy động vốn từ nguồn đấu giá quyền sử dụng đất và đấu thầu dự án…nhưng không thể đáp ứng. Theo Phó chủ tịch UBND TP - ông Nguyễn Thành Tài, nếu thực hiện thành công phương thức này thì sẽ giải quyết đáng kể nhu cầu về vốn cho TP. Ông Nguyễn Thành Tài, Phó chủ tịch UBND TP nói:

Trước mắt Công ty BOT cầu Phú Mỹ Tp đang xin ý kiến Tp xem xét hướng dẫn thực hiện các thủ tục phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế nhằm huy động vốn thực hiện 3 dự án: Cầu Sài Gòn 2, dự án xây dựng cầu đường Nhơn Trạch và tuyến xe điện mặt đất số 1 Sài Gòn - Chợ Lớn - Bến xe Miền Tây. Vốn đầu tư cho 3 dự án này vào khoảng 800 triệu đô la.

Theo UBND TP trong điều kiện ngân sách TP hạn hẹp, việc xã hội hóa giao cho các doanh nghiệp huy động các nguồn lực khác nhau để phục vụ cho nhu cầu phát triển hạ tầng giao thông là phù hợp và là kênh huy động vốn khả thi.

Trong buổi làm việc với lãnh đạo TP.HCM mới đây, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói rằng, Chính phủ tạo mọi cơ chế để huy động vốn nhưng phải thực hiện có hiệu quả, trả được nợ.

Trước mắt Bộ Giao thông vận tải sẽ tiến hành mời chào một số dự án lớn để thực hiện theo phương thức mới này./.

Đình Sang