Đầu tư dịch vụ logistics Việt Nam: không thể chờ đợi

(VOH) - Năm 2014, Việt Nam chính thức mở cửa thị trường cho doanh nghiệp logistics nước ngoài tham gia. Sau 2 năm mở cửa, sức cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam đang yếu thế so với các doanh nghiệp logistics nước ngoài.

Nghe nội dung bài viết

Logistics bao gồm nhận hàng, vận chuyển, lưu kho bãi, làm thủ tục hải quan và các loại giấy tờ, tư vấn khách hàng, đóng gói, giao hàng,… Để lấy lại thị phần trên "sân nhà" trong thời gian tới, ngành logistics Việt Nam cần chiến lược bài bản và lâu dài.

Tiềm năng phát triển ngành logistics Việt Nam còn rất lớn. Ảnh: vrl

Thiếu tính sẵn sàng? 

Theo Viện Logistics Việt Nam, nước ta hiện có gần 2.000 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh dịch vụ logistics với khoảng 300.000 doanh nghiệp, khách hàng có nhu cầu sử dụng dịch vụ logistics. Tuy nhiên, tất cả đều là các doanh nghiệp logistics vừa và nhỏ và chỉ đủ "lực" tham gia một phần trong chuỗi logistics. Các doanh nghiệp này không liên kết lại mà còn cạnh tranh lẫn nhau theo hướng giảm giá.

Đối thủ của họ là doanh nghiệp nước ngoài có hơn 80 đơn vị và có đủ mặt của 20 hãng hàng đầu thế giới, chiếm từ 70% - 80% thị phần tại Việt Nam và tự đưa ra các loại phí khác nhau. Tính chuyên nghiệp, sẵn sàng tạo cho họ thế mạnh này.  .

Luật sư Nguyễn Hữu Nam phân tích: "Các tiêu chuẩn trong sản xuất đều chứa đựng thông tin, thậm chí người ta cài mã lệnh vào hàng hóa để bất cứ lúc nào cũng có thể trả lời cho khách hàng là hàng của họ ở đâu, tình trạng nào. Chúng ta chưa sẵn sàng vì chưa thấy khách hàng là thượng đế".

Ông Đào Toàn Thắng, Giám đốc khai thác Fedex cho hay: "Những yêu cầu về nhập khẩu của các nước rất khác nhau. Khách hàng thông thường nắm bắt được những yêu cầu đó là thử thách rất lớn.

Riêng thị trường Mỹ có yêu cầu chi tiết với từng loại mặt hàng mà nếu chỉ nhìn ban đầu chúng ta tưởng đó là rào cản. Nếu không nắm bắt rõ ràng thì hàng đến nơi sẽ không thông quan đúng thời gian, phát sinh nhiều chi phí liên quan không thể định lượng trước".

Trong nền sản xuất hiện đại, bên cạnh tiêu chí đối với luồng hàng hóa: đúng chủng loại, đúng chất lượng, số lượng, đúng nơi…thì đặc trưng cơ bản tạo nên sự khác biệt nổi bật của logistics là “đúng mức, đúng lúc”. Đây là cơ sở để doanh nghiệp giảm hàng tồn kho, giảm vốn lưu động từ đó giảm rủi ro tài chính, tăng sức cạnh tranh sản xuất và hàng hóa của doanh nghiệp.

Không thể chần chờ

Theo các chuyên gia, tiềm năng phát triển ngành logistics Việt Nam còn lớn bởi Việt Nam đang hội nhập sâu rộng, từng bước trở thành trung tâm sản xuất và luân chuyển hàng hóa có quy mô.

Riêng năm 2015, lượng hàng xuất nhập khẩu qua các cảng biển Việt Nam vượt mức dự kiến: 427 triệu tấn. Tỷ trọng container tăng cao hơn mức tăng lượng hàng đang dần tiếp cận xu hướng thế giới, tạo điều kiện hình thành và phát triển trung tâm trung chuyển container quốc tế. Dự kiến năm 2016 sẽ đạt 470 triệu tấn hàng xuất nhập khẩu.

Để khai thác cơ hội, ông Võ Tân Thành, Phó chủ tịch Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam cho rằng: "Doanh nghiệp Việt Nam nên nắm được xu hướng hiện nay của thế giới đối với logistics, phải nâng cao khả năng cạnh tranh của ngành, của doanh nghiệp. Nhà nước đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị nhưng doanh nghiệp phải nâng cao nhân lực, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị để nâng chất lượng, thị phần logistics".

Thị trường logistics Việt Nam hiện chiếm khoảng 25% GDP, trong đó vận tải chiếm khoảng 50 – 60%. Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng lượng hàng xuất nhập khẩu khá cao: 20%/năm. Đây là tỷ lệ tương đối cao và là một nguyên nhân trực tiếp làm tăng giá sản phẩm.

Ông Bùi Quốc Nghĩa, Viện trưởng Viện Logistics Việt Nam nhìn nhận: "Hiện nay, Nhà nước đang đầu tư các cảng biển, xây dựng hàng loạt dự án lớn về hạ tầng, đó là cơ hội rất lớn để phát triển.

Do đó, không nên đợi mà phải góp ý để làm sao trong quá trình xây dựng đã có hình ảnh, tổ chức phù hợp với ngành logistics trong tương lai. Các doanh nghiệp VN cần có cách học tập, phối hợp, hợp tác và cùng phát triển và cạnh tranh".

Những năm qua, Việt Nam đầu tư không ít để phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật ngành logistics. Nhà nước quy hoạch và thực tế bằng nhiều nguồn vốn đang, sẽ đầu tư phát triển cảng nước sâu Cái Mép, cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong, sân bay quốc tế Long Thành, hành lang đường bộ Đông Tây, hệ thống đường cao tốc, đường sắt xuyên Á… cùng với các thể chế để tiếp tục củng cố, tạo thuận lợi để đưa ngành logistics Việt Nam mạnh mẽ hơn trong hội nhập và phát triển.