Để hàng Việt chinh phục thị trường nông thôn

(VOH) - Từ khi các doanh nghiệp Việt Nam tăng cường phân phối hàng hóa về nông thôn, người nông dân đã có nhiều lựa chọn hơn để tìm được sản phẩm ưng ý.

Chất lượng hàng hóa là yếu tố quan trọng giúp hàng Việt có thể chiếm lại thị trường nông thôn. Ảnh: kinhtenongthon

Thay vì phải chấp nhận các sản phẩm trôi nổi, không rõ nguồn gốc, chất lượng không đảm bảo thì nay người tiêu dùng ở nông thôn có thể an tâm chọn các sản phẩm thương hiệu Việt Nam. Với ưu điểm có nguồn gốc rõ ràng, chất lượng tốt, các sản phẩm Việt Nam có uy tín đã có thể cạnh tranh với các mặt hàng ngoại nhập, hàng giả, hàng nhái vốn chiếm ưu thế ở thị trường nông thôn. Vượt qua trở ngại về địa lý, hệ thống phân phối hàng hóa đã được cải thiện, góp phần đưa sản phẩm Việt Nam đến tận tay người dân ở các vùng sâu, vùng xa.

Trong quá trình đưa hàng Việt về nông thôn, các doanh nghiệp cần chú ý nhiều hơn đến chất lượng của sản phẩm. Để có thể giữ chân khách hàng cũng như xác lập uy tín cho thương hiệu, điều quan trọng nhất là phải giữ cho chất lượng sản phẩm được ổn định. Có ý kiến cho rằng một số doanh nghiệp lúc đầu sản xuất sản phẩm có chất lượng rất tốt, tạo được ấn tượng với người tiêu dùng, thế nhưng sau đó, chất lượng sản phẩm lại ngày càng giảm. Điều này khiến cho uy tín của sản phẩm cũng như doanh nghiệp bị ảnh hưởng ít nhiều. Chị Nguyễn Thị Triển, nông dân ở huyện Gò Dầu, Tây Ninh bày tỏ mong muốn của mình:

Có thể thấy được chất lượng hàng hóa là yếu tố quan trọng giúp hàng Việt có thể chiếm lại thị trường nông thôn vốn tràn ngập các mặt hàng ngoại nhập giá rẻ nhưng chất lượng thấp. Một khi chất lượng được nâng cao và uy tín sản phẩm được giữ vững thì nông dân mới có thể yên tâm, tin tưởng dùng hàng Việt.

Hiện nay, đa số người nông dân đã ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam. Tuy nhiên, vẫn còn một số nông dân do không hiểu biết nên vẫn tin dùng hàng ngoại, vì cho rằng hàng ngoại có chất lượng hơn hẳn hàng nội, mà không chú ý đến chất lượng thực sự của sản phẩm, dẫn tới việc mua nhầm hàng giả kém chất lượng. Nông dân Nguyễn Văn Sơn ở huyện Châu Thành, An Giang cho biết:

Nếu như ở thành phố, điều người tiêu dùng quan tâm nhất không phải là giá rẻ thì ở nông thôn, nông dân thường cân nhắc đến giá của sản phẩm khi muốn mua bất cứ món hàng nào. Vì thu nhập của đa số nông dân tương đối thấp, nên nông dân mặc dù rất muốn sử dụng các mặt hàng do Việt Nam sản xuất nhưng lại không có khả năng mua được. Đa số các sản phẩm thương hiệu Việt Nam có chất lượng tốt thường có giá cao hơn so với các sản phẩm trôi nổi, không rõ xuất xứ. Do đó, để nông dân lựa chọn sử dụng hàng Việt nhiều hơn, các doanh nghiệp Việt Nam nên chú ý điều chỉnh giá của sản phẩm sao cho phù hợp với thu nhập của phần lớn nông dân. Bà Vũ Kim Hạnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp nêu ra biện pháp giúp giảm giá thành sản phẩm:

Để hàng Việt chất lượng cao có thể giành phần thắng trong cuộc chiến với hàng nhái, hàng giả cũng như các sản phẩm ngoại nhập, các doanh nghiệp cần phải có kế hoạch cụ thể, tìm hiểu, nghiên cứu nhu cầu tiêu dùng ở nông thôn. Một khi hiểu được nông dân muốn sản phẩm như thế nào, chất lượng, giá cả, mẫu mã  ra sao thì doanh nghiệp mới sản xuất được các sản phẩm phù hợp. Điều quan trọng là phải bán những sản phẩm mà nông dân cần và có khả năng mua được. Làm sao để hàng hóa Việt Nam vừa có chất lượng tốt vừa có giá phải chăng không phải là điều dễ dàng. Con đường để hàng Việt Nam hoàn toàn chinh phục người tiêu dùng ở nông thôn vẫn còn nhiều trắc trở. Chỉ khi các doanh nghiệp thực sự muốn gắn bó với thị trường nông thôn, không đặt nặng lợi nhuận sẽ được sự ủng hộ nhiệt tình của nông dân, khi ấy, hàng Việt mới có thể giành ưu thế trên thị trường nông thôn.