Điểm nhấn tái cơ cấu ngân hàng

(VOH) - Tín dụng tăng trưởng khả quan, tái cơ cấu hệ thống ngân hàng được đẩy nhanh, các biện pháp xử lý nợ xấu được triển khai quyết liệt,… là những điểm nổi bật của hoạt động ngân hàng trong những tháng đầu năm 2015.

Trong 6 tháng đầu năm tăng trưởng tín dụng đã đạt trên 6% so với cuối năm trước, dự kiến đến cuối năm 2015 tăng trưởng tín dụng sẽ hoàn thành chỉ tiêu tăng từ 13 - 15%. Cùng với việc tăng trưởng tín dụng, các giải pháp tín dụng sẽ được triển khai nhằm nâng cao chất lượng tín dụng, tập trung vốn cho sản xuất, kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên, kiểm soát chặt chẽ việc đầu tư tín dụng vào các lĩnh vực dễ dẫn tới hiện tượng đầu cơ, gây bất ổn thị trường.

Đẩy nhanh tái cơ cấu

Nổi bật nhất trong bức tranh ngân hàng 6 tháng đầu năm là các hoạt động tái cơ cấu ngân hàng. Ngân hàng nhà nước đã triển khai quyết liệt các biện pháp xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém theo đúng quy định của pháp luật, đồng thời bảo đảm duy trì sự an toàn của hệ thống các tổ chức tín dụng, ổn định thị trường tiền tệ và tâm lý của người gửi tiền.

Cùng với đó, ngân hàng nhà nước đã đẩy mạnh thực hiện chủ trương sáp nhập, hợp nhất, mua lại tổ chức tín dụng với sự tham gia tích cực của các ngân hàng thương mại nhà nước và một số ngân hàng thương mại cổ phần lớn đã góp phần tăng quy mô của các ngân hàng thương mại.

“Quá trình tái cơ cấu của chúng ta, nếu như nhìn lại thời điểm ban đầu cho đến bây giờ thì tôi thấy có 4 điểm nhấn. Thứ nhất, là không để xảy ra đổ vỡ hệ thống. Thứ hai, hệ thống thanh toán và giao dịch gần như không bị tắc nghẽn. Thứ ba, trong 4 năm vừa qua tín dụng vẫn tăng trưởng. Cuối cùng, trong bối cảnh như vậy chúng ta vẫn kiểm soát được lạm phát, tạo đà giảm lãi suất cũng như là ổn định tỷ giá”, chuyên gia tài chính Cấn Văn Lực, nhìn nhận.

Theo đánh giá của ngân hàng thế giới, sau một năm chậm chạp, tiến trình cải cách quá trình hợp nhất ngành ngân hàng đã được đẩy nhanh hơn trong 6 tháng đầu năm 2015, đặc biệt là về hợp nhất ngân hàng. Điển hình như thương vụ sáp nhập MHB vào BIDV diễn ra chỉ trong vòng 55 ngày. Hay Sacombank và Southern Bank cũng đã tiến hành đại hội cổ đông bất thường để thông qua các thủ tục cần thiết cho việc sáp nhập,…

Bên cạnh các thương vụ sáp nhập các ngân hàng thì hoạt động mua bán, sáp nhập giữa giữa ngân hàng với công ty tài chính trong thời gian qua cũng không kém phần sôi động. Có thể kể đến các thương vụ như Maritime Bank, công ty tài chính Dệt may, Techcombank cũng đã hoàn tất việc mua Công ty tài chính Hóa chất Việt Nam.

Ngân hàng Nhà nước mua lại toàn bộ cổ phần với giá 0 đồng của 3 ngân hàng trong đó có ngân hàng Đại dương (OceanBank) - Ảnh: TBKTSG

Ngoài ra, từ đầu năm 2015 đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã chính thức mua lại toàn bộ cổ phần với giá 0 đồng của 3 ngân hàng là Ngân hàng Xây dựng, ngân hàng Đại dương (OceanBank) và ngân hàng Dầu khí toàn cầu.

Cho đến nay, với sự hỗ trợ quản lý của Vietcombank, Ngân hàng Xây dựng đã đổi tên thành Ngân hàng thương mại TNHH Một thành viên Xây dựng Việt Nam và đi vào hoạt động trở lại. Ngân hàng Đại dương cũng đã chuyển thành Ngân hàng TNHH Một thành Viên thuộc sở hữu 100% của Nhà nước với sự hỗ trợ của ngân hàng công thương Việt Nam (Vietinbank), Vietinbank cũng được chỉ định tham gia quản trị và điều hành ngân hàng Dầu khí toàn cầu. “Tôi đề nghị các tổ chức tín dụng nằm trong diện sắp xếp lại cũng như là các ngân hàng thương mại được giao nhiệm vụ tham gia vào quá trình tái cấu trúc lại các ngân hàng thương mại thì chúng ta phải hết sức tích cực, quyết liệt trong thời gian tới thì mới có thể đảm bảo kế hoạch đề ra”, Thống đốc ngân hàng nhà nước Nguyễn Văn Bình, chỉ đạo.

Quyết liệt kéo nợ xấu xuống còn dưới 3%

Cùng với tái cơ cấu thì công tác xử lý nợ xấu cũng đã được triển khai quyết liệt trong thời gian qua. Các tổ chức tín dụng đã tích cực triển khai, ưu tiên sử dụng các nguồn lực để đẩy nhanh việc xử lý nợ xấu nhằm mục tiêu đưa nợ xấu toàn hệ thống về dưới 3% vào thời điểm 30/9/2015. Ông Trương Văn Phước, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, cho rằng: “Trong điều kiện chúng ta không sử dụng vốn ngân sách, các ngân hàng thương mại phải sử dụng các nguồn lực tài chính, chi phí dự phòng để xử lý nợ xấu, ngân hàng nhà nước thành lập công ty mua bán nợ VAMC để mua nợ xấu,…Thành quả chung đó được biểu hiện ở chỗ là thanh khoản của hệ thống ngân hàng tốt, không có tình trạng tổ chức tín dụng phải vay mượn nhau với lãi suất cao. Thêm nữa, tín dụng của chúng ta sau nhiều năm tăng trưởng chậm thì đến năm 2015 đã tăng cao, điều này cũng thể hiện là xử lý nợ xấu đã phát huy tác dụng tốt”.

Theo chỉ đạo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, trong 6 tháng cuối năm 2015, các ngân hàng thương mại phải tập trung triển khai công tác này, trong đó phải thực hiện phân loại nợ xấu đúng quy định, trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ, tích cực bán nợ cho công ty VAMC…Phấn đấu đến hết quý 3/2015 tỷ lệ nợ xấu giảm xuống còn dưới 3%. Ngân hàng nhà nước sẽ áp dụng biện pháp khuyến khích với các ngân hàng tích cực xử lý nợ xấu và có biện pháp xử lý đối với tổ chức tín dụng không tích cực, để tỷ lệ nợ xấu cao.

Năm 2015 cũng là năm cuối cùng để Ngân hàng nhà nước hoàn thành mục tiêu tái cơ cấu ngân hàng theo Đề án Tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011-  2015. Do đó, trong những tháng còn lại của năm 2015, hai nhiệm vụ được ưu tiên đẩy mạnh triển khai trong những tháng cuối năm là xử lý nợ xấu và tái cơ cấu các tổ chức tín dụng.