Doanh nghiệp chây ì giảm giá cước vận tải: người tiêu dùng thiệt hại nặng

​(VOH) - Người tiêu dùng đang chịu thiệt hại nặng khi các doanh nghiệp không chịu giảm giá cước vận tải, mặc dù giá xăng đã giảm 7 lần, tính từ đầu năm đến nay.

Hiện nay, giá cước taxi tại Việt Nam cao hơn so với các nước trong khu vực, đặc biệt là cao hơn 40% so với Singapore, nước có thu nhập đầu người cao gấp nhiều lần Việt Nam. Do vậy, nhà nước cần có biện pháp hành chính yêu cầu các doanh nghiệp giảm giá. Phóng viên VOH đã phỏng vấn ông Nguyễn Tiến Thỏa, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội thẩm định giá Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục quản lý giá về vấn đề này.

Ông Nguyễn Tiến Thỏa, Phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Hội thẩm định giá Việt Nam. Ảnh: VNE

* Thưa ông, vừa qua giá xăng liên tiếp giảm nhưng các doanh nghiệp vận tải không chịu giảm giá. Ông từng cho rằng, nhà nước cần can thiệp. Nếu làm như vậy có đi ngược cơ chế thị trường?

- Ông Nguyễn Tiến Thỏa:

Làm gì có chuyện đi ngược lại cơ chế thị trường. Không có nước nào đi theo cơ chế thị trường mà thả nổi 100%. Đây là thất bại từ năm 1929 - 1930, còn bây giờ nước nào cũng có cơ chế hỗn hợp và vai trò nhà nước là phải kiểm tra kiểm soát. Doanh nghiệp vẫn được định giá, nhưng khi doanh nghiệp định giá sai với nguyên tắc, căn cứ mà nhà nước hướng dẫn thì sẽ bị phạt.

* Vậy ông có thể cho biết kinh tế thị trường là như thế nào?

- Ông Nguyễn Tiến Thỏa: Hiện nay, chúng ta đang thực hiện cơ chế giá thị trường có sự điều tiết của nhà nước. Vậy cơ chế thị trường là doanh nghiệp tự định giá theo tín hiệu khách quan của thị trường. Bên cạnh đó, Nhà nước dùng các biện pháp kinh tế và hành chính để điều tiết. Những biện pháp kinh tế tác động gián tiếp vào sự hình thành và vận động của giá cả như: điều hòa cung cầu hàng hóa dịch vụ, các biện pháp tài chính tiền tệ, quỹ bình ổn giá, những biện pháp thanh tra kiểm tra các yếu tố hình thành giá. Nhà nước chỉ quyết định giá một số ít mặt hàng thuộc diện độc quyền, hàng hóa dịch vụ công ích chi từ nguồn vốn Nhà nước.

* Chúng ta đã có cơ chế, có luật nhưng doanh nghiệp vẫn không giảm giá. Vậy có phải cơ chế quản lý giá hoạt động chưa hiệu quả?

- Ông Nguyễn Tiến Thỏa: Nói vậy cũng không đúng. Đã là thị trường thì phải có lên có xuống theo cung cầu. Tại sao các nước họ treo biển sáng giá khác, chiều giá khác. Như thế không phải là tự do mà là họ có nguyên tắc của nhà nước định giá.

* Vậy người dân phải làm gì để bảo vệ quyền lợi của mình?

- Ông Nguyễn Tiến Thỏa: Bộ trưởng GTVT đã nói là người dân cần tẩy chay.

* Nhưng hầu hết doanh nghiệp vẫn chưa giảm giá, dân cũng không biết tẩy chay ai và người dân vẫn trông chờ vào Nhà nước?

- Ông Nguyễn Tiến Thỏa: Doanh nghiệp nói giảm thì phải giảm, Nhà nước sẽ hậu kiểm.

* Ông có thể cho biết, luật xử lý như thế nào trong trường hợp này?

- Ông Nguyễn Tiến Thỏa: Hiện nay, có 2 Bộ yêu cầu doanh nghiệp kê khai giảm giá. Nếu doanh nghiệp nào không kê khai sẽ bị phạt theo Nghị định 109 của Chính phủ ban hành năm 2013, số tiền phạt khoảng 25-35 triệu. Biện pháp thứ 2 là kiểm soát yếu tố hình thành giá.

* Cảm ơn ông.