Xuất khẩu đồ gỗ lâm sản Việt Nam năm 2012 đạt kim ngạch khoảng 4,67 tỷ USD, tăng 15,3% so với năm 2011, vượt gần 7% so với kế hoạch. Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường thay đổi, đặc biệt là do yêu cầu về tính hợp pháp của nguồn gỗ nguyên liệu từ thị trường các nước nhập khẩu, ngành chế biến gỗ của Việt Nam hiện đang đối mặt với nhiều thách thức lớn như: nguồn nguyên liệu thiếu ổn định, doanh nghiệp khó tiếp cận vốn, lãi suất tín dụng vẫn còn cao. Ông Nguyễn An Điềm, Chủ tịch Hiệp hội gỗ và lâm sản Bình Định cho biết: "Có một số đơn vị kinh doanh bị thua lỗ nên làm hao hụt nguồn vốn. Để đáp ứng đơn hàng mới thì nguồn vốn cần phải nhiều hơn để bù đắp cho số vốn thiếu hụt. Tuy nhiên, hạn mức tín dụng của ngân hàng không nâng cao cho nên việc hạ lãi suất là tích cực, nhưng mà để hưởng được lãi suất đó thì còn rất hạn chế".
Được biết, Chính phủ Việt Nam hiện đang tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác tự nguyện (VPA) với Liên minh châu Âu (EU), tập trung vào 3 vấn đề cơ bản: định nghĩa gỗ hợp pháp, hệ thống đảm bảo tính hợp pháp của gỗ trong chuỗi cung, giám sát độc lập đảm bảo sự tuân thủ pháp luật của các bên tham gia. Kết quả của việc đàm phán này sẽ tác động trực tiếp đến hoạt động của các doanh nghiệp chế biến, xuất nhập khẩu cũng như các doanh nghiệp vận chuyển, các cơ sở chế biến quy mô nhỏ, các làng nghề truyền thống và các hộ trồng rừng.