Với việc hình thành cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), khi rót vốn vào Việt Nam, các nhà đầu tư không chỉ tiếp cận thị trường Việt Nam mà còn nhắm đến thị trường rộng lớn hơn với 600 triệu dân. Điều này có khiến các doanh nghiệp bán lẻ và các doanh nghiệp sản xuất trong nước bị "lép vế"?
Xung quanh nội dung này, phóng viên Đài TNND TPHCM (VOH) đã có cuộc phỏng vấn với bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam.
Bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam.
* VOH: Thưa bà, nhìn lại các thương vụ bán sáp nhập trong lĩnh vực bán lẻ hiện nay thì đa phần các nhà đầu tư nước ngoài đứng về phía bên mua, điều này có đang lo ngại hay không?
Bà Đinh Thị Mỹ Loan: Thị trường mua bán sáp nhập ở Việt Nam đã được dự báo nhiều năm trước, đối với lĩnh vực bán lẻ thì rất sôi động, được chú ý. Hai năm gần đây, lĩnh vực bán lẻ đã được các nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm. Chúng ta có thể thấy, các thương vụ mua bán sáp nhập trong 2 năm gần đây, từ phía người mua chúng ta thấy chủ yếu là nước ngoài.
Thế nhưng, các doanh nghiệp Việt Nam cũng đã bắt đầu có ý thức là phải tham gia vào hoạt động này và cũng đã có những thương vụ hoàn toàn là của doanh nghiệp Việt Nam. Điều này cũng là một dấu hiệu cho thấy các doanh nghiệp Việt Nam cũng đã bắt đầu cuộc cạnh tranh trong các hoạt động mua bán sáp nhập như là 1 kênh thu hút vốn đầu tư hữu hiệu.
Tình trạng chung trên thị trường mua bán sáp nhập ở Việt Nam, đó là các nhà đầu tư ngoại vẫn chiếm đa số, gần như là áp đảo. Tuy nhiên, nếu chúng ta nhìn ở góc độ đây là một hoạt động còn rất mới mẻ ở Việt Nam và đối với các doanh nghiệp Việt thì cũng phải có thời gian.
Bây giờ, những hiện tượng cũng đã bắt đầu, chẳng hạn trong cuộc mua bán BigC thì Saigon Co.op đã vào đến tận vòng trong cùng, chỉ vì một vài hạn chế về mặt kỹ thuật nên chưa mua được. Trong trường hợp này, có thể thấy các doanh nghiệp cũng đã rất kiên quyết, ý thức được các vấn đề cạnh tranh cũng như sẵn sàng cạnh tranh. Đấy là dấu hiệu rất đáng mừng.
* VOH: Có ý kiến cho rằng, hoạt động mua bán sáp nhập doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian gần đây có những thương vụ mang dấu hiệu thù dịch, thâu tóm lẫn nhau, điều này có đáng lo ngại với ngành bán lẻ Việt Nam không?
Bà Đinh Thị Mỹ Loan: Trong bất cứ hoạt động nào nói chung và trong hoạt động mua bán sáp nhập, chúng ta cũng không loại trừ có những người chơi không theo chính sách là đôi bên cùng thắng mà cũng có thể họ muốn thâu tóm thật sự, muốn chèn ép đối thủ.
Thế nhưng, chúng tôi thấy là đại đa số không phải đi theo con đường như vậy. Chúng ta phải rất cảnh giác với những đối thủ hoặc những đối tác có thái độ, định hướng đầu tư qua hình thức mua bán sáp nhập như chúng ta quan ngại là không tốt. Quan trọng là chúng ta lựa chọn, phải lựa chọn đối tác nào phù hợp và thích đáng đối với mình và cùng trên cơ sở đôi bên cùng có lợi.
Trong lĩnh vực bán lẻ, những cuộc mua bán sáp nhập trong những năm vừa rồi, chẳng hạn như AEON của Nhật Bản mua lại Fivimart hay Citi mart, đến giờ phút này hiệp hội chúng tôi rất vui mừng khi thấy cả hai bên đều khá hài lòng, tranh thủ được những thế mạnh của nhau rất là tốt và phát triển thêm.
Hay vụ Central Group mua BigC chẳng hạn, sau khi mua BigC thì họ cũng đã có những cam kết rất rõ ràng đó là giữ nguyên tỷ lệ hàng Việt từ trước đến nay đã có bán trong siêu thị BigC giữ ở mức độ như vậy và phấn đấu cao hơn. Một cách ủng hộ hàng Việt rất là đáng hoan nghênh.
* VOH: Tuy nhiên, gần đây lại có thông tin là từ khi đối tác ngoại trong lĩnh vực bán lẻ vào thị trường Việt Nam thì các doanh nghiệp lại khó khăn hơn trong việc đưa hàng vào Việt Nam, bà lý giải như thế nào?
Bà Đinh Thị Mỹ Loan: Về hiện tượng này, chúng ta cần xem xét từng trường hợp cụ thể. Ví dụ, những trường hợp chiết khấu quá cao hay những chi phí ngoài chiết khấu ra thì chúng ta phải xử lý và giải quyết cụ thể. Còn trong trường hợp cam kết của BigC thì cam kết này không chỉ nói với Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam mà họ đã gửi văn bản, công văn cam kết đó tới Bộ Công thương, và chúng ta hoàn toàn có quyền giám sát việc đó. Nếu chúng ta thấy họ thực hiện không đúng thì phải có ý kiến.
Thế còn, có thể có sự phàn nàn hay kêu ca, ở đây chúng tôi nghĩ một cách công bằng, có lẽ chúng ta cũng phải xem xét cả ở hai phía. Về phía các nhà cung ứng và sản xuất của Việt Nam thì chúng ta cần xem xét lại sản phẩm của mình là có cạnh tranh không, có bảo đảm sự phong phú về chủng loại, giá cả thích hợp, giao hàng,... nhiều khi do không thấu hiểu, bị hạn chế về mặt thông tin nên có những sai lệch này khác.
* VOH: Với những ví dụ như bà vừa nêu hay câu chuyện điển hình từ Sài Gòn Co.op hụt vụ mua lại Big C, theo bà thì doanh nghiệp Việt cần chuẩn bị gì để có thể tận dụng tốt cơ hội?
Bà Đinh Thị Mỹ Loan: Câu hỏi này rất thú vị. Muốn tận dụng tốt những cơ hội của mua bán sáp nhập thì chúng ta phải nhìn ở 2 góc độ.
Nếu như doanh nghiệp ở vị thế là người bán, tức là chúng ta cần có thêm vốn đầu tư từ nước ngoài, cần có sự hỗ trợ về mặt công nghệ, mạng lưới,... thì bản thân chúng ta trước hết là phải định giá được chính mình trên thị trường. Thứ hai, chúng ta phải có cải tiến tích cực về mặt quản trị doanh nghiệp để doanh nghiệp được đánh giá một cách tốt nhất, ở mức cao nhất về mặt tín nhiệm hay hoạt động tương lai của doanh nghiệp.
Trong trường hợp chúng ta là người mua thì đương nhiên chúng ta phải xem xét ở phía ngược lại. Chúng ta cũng phải lượng sức của mình, trong nguồn lực của mình cũng như là kinh nghiệm, kiến thức của mình khi mua lại doanh nghiệp.
Chúng tôi cho rằng, những kinh nghiệm của Saigon Co.op, của Vingroup - là những doanh nghiệp đi tiên phong ở tư thế người mua, chúng tôi nghĩ rằng các doanh nghiệp cũng nên học tập. Chúng ta cũng đừng ngại ngần, vì hoạt động mua bán sáp nhập cũng là hoạt động bình thường của thị trường.
Bây giờ chúng ta đang ở vị thế là người bán nhiều, nhưng một ngày đẹp trời, có thời cơ tại sao chúng ta không là người mua. Và, không chỉ giới hạn trong Việt Nam mà còn ở các nước khác trong khu vực và thế giới!
* VOH: Cám ơn bà!