Tại buổi đối thoại, đại diện Cục Hải quan thành phố đã giới thiệu đến hơn 200 doanh nghiệp tham dự những nội dung mới trong Luật Hải quan 2014 và có hiệu lực từ ngày 1/1/2015.
Bắt đầu thi hành luật, Cục Hải quan thành phố gần như thay đổi toàn bộ phương pháp quản lý hàng hóa xuất nhập khẩu. Cải cách thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp ưu tiên là một nội dung mới được nhiều doanh nghiệp quan tâm. Các doanh nghiệp ưu tiên sẽ được đơn giản hóa về thủ tục, thời gian thẩm định. Cụ thể, thời gian thẩm định điều kiện doanh nghiệp ưu tiên giảm từ 45 ngày làm việc xuống còn 30 ngày; thời hạn được hưởng chế độ ưu tiên lần đầu tăng lên. Nếu trước kia là từ 24 tháng kể từ ngày Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan ký quyết định áp dụng chế độ ưu tiên đối với doanh nghiệp thì nay quy định là 3 năm. Đặc biệt, để thực hiện những thay đổi này, doanh nghiệp phải là người chủ động tích cực để giải quyết thủ tục cho chính mình.
Ông Nguyễn Hữu Nghiệp, Phó Cục trưởng Cục Hải quan thành phố Hồ Chí Minh cho biết: " Doanh nghiệp sẽ chủ động thiết lập các dữ liệu điện tử, thiết lập hết toàn bộ thông tin của mình chuyển cho Hải quan. Về phía Hải quan, sau khi các doanh nghiệp khai báo dữ liệu, đăng ký trên hệ thống mạng thì cơ quan Hải quan sẽ cấp số tờ khai Hải quan và phân luồng. Nếu là phân luồng xanh thì chỉ trong vòng từ 3 đến 5 giây là nhận được phân luồng".
Thực hiện thủ tục hải quan điện tử cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu - Ảnh: Hoàng Hùng.
Vấn đề nộp thuế điện tử cũng được Cục Thuế thành phố hướng dẫn chi tiết cho các doanh nghiệp tại buổi đối thoại. Từ cuối tháng 5 đến nay, doanh nghiệp đăng kí nộp thuế điện tử đã bắt đầu tăng. Chỉ tính riêng trong tháng 5 đã có trên 3.300 doanh nghiệp đăng kí nộp thuế điện tử đưa tổng số doanh nghiệp đăng kí điện tử lên trên 9.500 doanh nghiệp. Hiện đã có 18 ngân hàng tham gia cùng Cục thuế hỗ trợ doanh nghiệp trong vấn đề này. Đây sẽ là điều kiện thuận lợi để việc triển khai đăng kí và nộp thuế điện tử tại TP.HCM tiếp tục khởi sắc trong thời gian tới.
Đại diện Cục Thuế thành phố, ông Phạm Bá Khôi cho biết: "Chứng từ được sử dụng trong nộp thuế điện tử là chứng từ áp dụng theo quy định của Bộ Tài chính, biệt lập, kiểm soát, luân chuyển, phục hồi và lưu trữ theo quy định của pháp luật. Tất cả thông tin điện tử truyền dẫn từ Cổng thông tin của Tổng Cục Thuế và cổng thông tin của Ngân hàng thương mại đều phải kèm theo một thông điệp điện tử xác nhận, là cơ sở để xác nhận việc chuyển nhận đã hoàn thành, trong đó có một thông điệp phải thỏa là: cụ thể về thời gian, trạng thái và chữ ký số của các bên".