Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành: Sẽ nâng cao năng lực hàng không trong nước

(VOH) – Ngày 14/5/2015, Cục hàng không Việt Nam và báo Lao Động tổ chức hội thảo “Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, một cách nhìn khách quan, trung thực và xây dựng”, nhiều chuyên gia hàng không, chuyên gia kinh tế cùng thảo luận dự án đặc biệt quan trọng này.

Theo lãnh đạo Cục hàng không Việt Nam, những năm qua, Việt Nam đã và đang thực hiện chính sách giảm dần sự điều tiết đối với vận tải hàng không thông qua các thỏa thuận song phương và đa phương, phát triển thị trường vận tải hàng không theo hướng mở, gắn liền với vận tải hàng không khu vực và trên thế giới.

Năm 2014, sản lượng thông quan các cảng hàng không Việt Nam đạt 50,7 triệu khách và hơn 892.000 tấn hàng hóa. Tại quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không Việt Nam giai đoạn 2020, tầm nhìn 2030, ngành hàng không dân dụng đã khẳng định một trong các xu thế phát triển của hàng không dân dụng thế giới là tạo lập và cạnh tranh giữa các sân bay trung chuyển lớn ở khắp nơi trên thế giới.

Nhiều chuyên gia cho rằng, sân bay Tân Sơn Nhất sẽ không đáp ứng được sự phát triển ngành hàng không trong tương lai

 (Ảnh: Lan Hương)

Việt Nam có tiềm năng rất lớn về giao thông, đặc biệt là giao thông hàng không. Hiện nay tiềm năng về vị trí địa lý mới chỉ được khai thác một phần, chủ yếu là phục vụ điều hành các chuyến bay quá cảnh trong khi đó việc tổ chức khai thác lợi thế về tạo lập các trung tâm trung chuyển hành khách, hàng hóa chưa thực hiện được.

Ông Lại Xuân Thành, Cục trưởng Cục hàng không Việt Nam cho hay: “Thị trường hàng không Việt Nam đang thu hút các hãng hàng không thế giới. Việt Nam Airline cùng các đối tác trong Skyteam đang sử dụng làm căn cứ sửa chữa bảo dưỡng cũng như phát triển mạng đường bay của mình. Tuy nhiên, trong tương lai Tân Sơn Nhất không đáp ứng nhu cầu của các hãng hàng không, đặc biệt là các liên minh hãng hàng không toàn cầu”.

Theo PGS-TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện kinh tế Trung ương, dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành gắn với tương lai của đất nước, mang tầm nhìn chiến lược chứ không chỉ là kế hoạch 5 năm, vì vậy không thể nhìn vấn đề hiện tại để nói về một dự án cho tương lai. Muốn biết dự án có nên triển khai hay không, cần phải phân tích lợi, hại dựa trên lập trường tổng thể, chứ không phải cục bộ. “Liệu Việt Nam có cạnh tranh được với Thái Lan và Singapore thì tôi không biết, quan trọng là có định cạnh tranh hay không ? Muốn vậy cần có một sân bay đáp ứng được các nhu cầu về vận chuyển hàng không, cái mà hiện nay chúng ta chưa có” - Ông Thiên nhấn mạnh.

Ông nhận định: “Tôi ủng hộ dự án này. Tôi quan niệm sân bay của ta giống như nhà ga hàng không, giống như nhà ga đường sắt. Đó là nhà ga không phải là tổ hợp phát triển, không phải sân bay hiện đại. Sân bay Tân Sơn Nhất có nới ra gấp đôi thì cũng như vậy. Sân bay muốn làm, phải là tổ hợp công nghiệp, dịch vụ, một trung tâm logistic lớn trong khu vực”.

Đồng quan điểm trên, ông Lê Mạnh Hùng, Tổng giám đốc Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam nói: “Việc xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành là cần thiết nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải hàng không khi cảng hàng không quốc tế đang đạt công suất thiết kế và trở nên quá tải, đặc biệt khả năng mở rộng Sân bay Quốc tế Tân Sơn Nhất đáp ứng trong tương lai là không khả thi”.

Ông Lương Hoài Nam, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Hàng không Hải Âu cho rằng, sân bay Tân Sơn Nhất ở Việt Nam và các sân bay ở nước ngoài được xây dựng cùng thời vào những năm 1930, nằm trong các thành phố mà chúng phục vụ hoặc rất gần các thành phố đó. Khi đó, so với bây giờ, các thành phố đều nhỏ và ít dân cư, phương tiện giao thông đô thị lạc hậu, có tốc độ chậm. Sân bay, máy bay thời đó rất nhỏ tác động của tiếng ồn máy bay đối với sức khỏe của người dân khi đó chưa được đặt ra. Sau 80 năm, mọi thứ đã thay đổi rất nhiều, cả diện tích và dân cư đô thị, sân bay, máy bay đều lớn hơn nhiều lần. Việc mở rộng các sân bay cũ tại hầu hết đô thị trên thế giới đã đạt tới giới hạn, không thể mở rộng thêm được nữa mà phải xây sân bay mới để bổ sung, hoặc thay thế hoàn toàn sân bay cũ.

Trong khi đó, PGS Nguyễn Thiện Tống, nguyên Trưởng bộ môn Kỹ thuật hàng không, Trường Đại học Bách khoa TPHCM cho rằng, trên thế giới vẫn có nhiều sân bay lớn nằm ở trung tâm thành phố. Khoảng cách từ sân bay Tân Sơn Nhất vào trung tâm TPHCM chỉ 7km, đó là lợi thế lớn trong tình hình giao thông hiện nay. Theo kế hoạch phát triển giao thông đến năm 2020, đường vành đai 2 sẽ được hoàn thành cho phép hành khách có thể tiếp cận TPHCM mà không cần đi qua trung tâm TP. Hơn nữa sân bay Tân Sơn Nhất có thể tăng năng suất lên từ 60 đến 100 triệu khách/năm.

Bình luận