Dự báo tăng trưởng năm 2016 của Việt Nam chỉ ở mức 6,5%

(VOH) - “Tăng trưởng năm 2016 của Việt Nam chỉ ở mức 6,5%” đó là dự báo của ông Trương Đình Tuyển - nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại, Cố vấn cao cấp của Chính phủ trong đàm phán TPP tại Hội nghị “Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP): Cơ hội và thách thức trong kinh doanh tại Việt Nam” diễn ra vào sáng nay (8/4), tại TP HCM.

Theo ông Trương Đình Tuyển, Thế giới đang từ thị trường quốc gia sang thị trường thế giới và khu vực, tham gia vào mạng sản xuất và chuỗi cung ứng chứ không chỉ là xuất khẩu vào các thị trường riêng lẻ.

Các diễn giả nhận kỷ niệm chương của Phó Chủ tịch UBND TP HCM Lê Văn Khoa trao tặng. 

Những hạn chế sẽ tác động đến khả năng tăng trưởng

Việt Nam đã ký kết và đang đàm phán các hiệp định thương mại tự do (FTA) mới. Trong đó, FTA với EU và TPP là những hiệp định toàn diện, chất lượng cao, có mức độ tự do hóa rất sâu rộng, cơ chế thực thi chặt chẽ và chế tài xử phạt khi vi phạm nghiêm ngặt; tác động tích hợp của các hiệp định theo hướng tích cực còn lớn hơn, song, cơ hội không tự nó biến thành lợi ích, thành sức mạnh trên thị tường mà phải thông qua chủ thể là Nhà nước và doanh nghiệp. Những yếu tố bên ngoài tác động đến tăng trưởng kinh tế là tích cực. Nhưng xét yếu tố bên trong, vẫn còn những hạn chế yếu kém như: cân đối ngân sách rất căng thẳng, nợ công tăng cao; nợ xấu chưa được xử lý tốt; doanh nghiệp trong nước rất khó khăn; tiến trình tái cơ cấu diễn ra chậm. Những hạn chế yếu kém này dẫn đến xu thế tiêu cực đang diễn ra từ đầu năm 2016, tác động đến khả năng tăng trưởng trong năm 2016 và cả những năm sau.

Cụ thể là: lãi suất huy động đang tăng ở tất cả các tổ chức tín dụng và ở tất cả các kỳ hạn, rất khó giữ mặt bằng lãi suất cho vay như năm 2015, tác động tiêu cực đến sản xuất kinh doanh của khu vực doanh nghiệp trong nước; tình hình khô hạn, và xâm nhập mặn nghiêm trọng ở Nam Trung bộ, Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long không chỉ ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiêp vụ này mà còn ảnh hưởng đến cả vụ sau, năm sau. Tăng trưởng GDP khu vực nông nghiệp quý I giảm 1,23%, tăng trưởng công nghiệp cũng thấp thua cùng kỳ năm 2015 (6,72% so 8,74%), kéo theo tăng trưởng quý I năm 2016 chỉ đạt 5,46%.

Như vậy trong năm 2016 vừa có lực đẩy lại vừa có lực cản sự phát triển của kinh tế Việt Nam. Từ 2017, lực đẩy sẽ mạnh hơn còn lực cản sẽ phụ thuộc vào nỗ lực giải quyết những vấn đề nội tại của nền kinh tế nước ta, nhất là việc thực hiện tiến trình tái cơ cấu chuyển đổi mô hình tăng trưởng.

Ông Trương Đình Tuyển phát biểu tại hội nghi.

Tăng trưởng năm 2016 chỉ ở mức 6,5%?!

Thử dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2016, ông Trương Đình Tuyển cho rằng, tác đông của các FTA  chưa lớn, kinh tế thế giới năm 2016 phục hồi chậm, tình hình kinh tế trong nước đã xuất hiện những dấu hiệu khó hơn năm 2015. Nếu tiến trình tái cơ cấu triển khai quyết liệt thì sẽ phải đánh đổi tăng trưởng. Trong ngắn hạn tăng trưởng sẽ sụt giảm, nhưng đây là sự sụt giảm lành mạnh và có thể được bù đắp bởi sự cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh.

Trong năm 2016, còn có sự chuyển giao lãnh đạo các cấp chính quyền, sẽ mất một thời gian để khởi động bộ máy mới. Từ những lý do trên, tăng trưởng năm 2016 chỉ ở mức 6,5%, thậm chí thấp hơn tùy thuộc vào kết quả của tái cơ cấu và cải thiện môi trường kinh doanh.

Chia sẻ về những thách thức trong việc tuân thủ các cam kết về thương mại trong TPP mà doanh nghiệp Việt Nam cần chuẩn bị, ông Nestor Scherbey, Cố vấn cấp cao Liên minh thuận lợi hóa Thương mại Việt Nam (VTFA) cho rằng các công ty đa quốc gia (FDI) sẽ phải xác định lại chuỗi cung ứng toàn cầu của họ để tận dụng các ưu đãi thuế do các hiệp định FTA, trong đó có TPP mang lại, khi sản xuất hàng xuất khẩu sang các thị trường TPP. Điều này cũng mang đến cơ hội mới cho các doanh nghiệp Việt Nam để trở thành nhà cung cấp cho các doanh nghiệp FDI  tại Việt Nam và các công ty toàn cầu khác trong chuỗi cung ứng toàn cầu của họ.

Định hướng chiến lược cho doanh nghiệp TPHCM

Phó Chủ tịch UBND TP HCM, ông Lê Văn Khoa khẳng định TPHCM luôn xem hội nhập quốc tế là xu thế tất yếu; tích cực và chủ động hội nhập quốc tế là nhiệm vụ quan trọng. Để tiếp tục giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước, Thành phố xác định việc nâng cao nhận thức về tầm quan trọng cũng như tác động của hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt là tác động của Hiệp định TPP là hết sức cần thiết.

Với tinh thần đó, Thành phố luôn chủ động, tích cực cung cấp thông tin về các cam kết thương mại, đầu tư, sở hữu trí tuệ và lao động trong TPP; định hướng chiến lược và các bước chuẩn bị cần thiết cho doanh nghiệp TPHCM trong quá trình hội nhập.

Các doanh nghiệp Việt Nam cần sẵn sàng đầu tư mới trong sản xuất nguyên vật liệu và hàng hóa ngay từ bây giờ, tuy nhiên phải chú ý các yêu cầu cung cấp tài liệu chứng minh nguồn gốc của nguyên vật liệu và các thành phần được sử dụng để sản xuất, lắp ráp thành phẩm để xuất khẩu sang một nước TPP. Liên minh thuận lợi hóa Thương mại Việt Nam đang thiết kế một cổng thông tin thương mại B2B toàn cầu để cho các nhà sản xuất hàng Việt Nam tự đăng ký sản phẩm cũng như thông tin liên lạc của họ, miễn phí./.