Giá cà phê cao nhất tại tỉnh Đắk Lắk là 33.000 đồng/kg, giá thấp nhất tại Lâm Đồng là 32.100 đồng/kg.
Cụ thể, mở cửa phiên giao dịch hôm nay giá cà phê tại Lâm Đồng giảm, ở huyện Bảo Lộc, Lâm Hà giá cà phê về mức 32.200 đồng/kg, giảm 500 đồng/kg, huyện Di Linh giá cà phê là 32.100 đồng/kg, giảm 400 đồng/kg.
Song song đó giá cà phê hôm nay tại ĐắkLắk cũng giảm, ở huyện Cư M'gar giá giảm 500 đồng/kg còn 33.000 đồng/kg, huyện Buôn Hồ giá cà phê về mức 32.800 đồng/kg, giảm 600 đồng/kg.
Giá cà phê tại Gia Lai hôm nay đứng ở mức 32.800 đồng/kg, cũng giảm 500 đồng/kg.
Tương tự giá cà phê tại Đắk Nông cũng giảm 500 đồng/kg về mức 32.900 đồng/kg.
Giá cà phê tại Kon Tum giảm 400 đồng/kg, còn 33.000 đồng/kg
Giá cà phê giao tại cảng TP HCM cũng giảm 400 đồng/kg còn 33.000đồng/kg.
Ảnh minh họa: internet
Giá cà phê thế giới giảm gần 2%
Trên thị trường thế giới, 9h30 ngày 12/2/2019 giá cà phê robusta giao tháng 3/2019 trên sàn Robusta (ICE Futures Europe) giảm 26 USD/tấn, tương đương 1,7% về mức 1.504USD/tấn, giá cà phê giao tháng 5/2019 cũng giảm 22USD/ tấn, tương đương 1,42% về mức 1.528USD/tấn.
Giá cà phê arabica giao tháng 3/2018 trên sàn (ICE Futures US) 9h30 sáng nay 12/2/2019 giảm 2,40USD/tấn, tương đương 2,34%, về mức 1.002USD/tấn, giá giao tháng 5/2019 giảm 2,30USD/tấn, tương đương 2,18% về mức 1.033USD/tấn.
Theo Tổ chức Cà phê Thế giới (ICO), Xuất khẩu cà phê của Colombia ước tăng 5% lên 1,28 triệu bao trong tháng 12/2018. Tổng lượng xuất khẩu trong giai đoạn tháng 10/2018 – 12/2018 tăng nhẹ 2,2% lên 3,59 triệu bao so với cùng kì niên vụ trước. Tuy nhiên, sản lượng cà phê của Colombia trong giai đoạn này giảm 6,6% so với cùng kì niên vụ 2017 – 2018 xuống 2,67 triệu bao.
Tại Honduras, xuất khẩu cà phê trong tháng 12 giảm 16,1% xuống 354.121 bao trong tháng 12/2018. Trong 3 tháng đầu niên vụ 2018 – 2019, xuất khẩu cà phê giảm 11% xuống 569.071 bao. Việc thiếu hụt nhân công kèm theo thu hoạch muộn chính là những yếu tố khiến xuất khẩu cà phê của nước này giảm.
Honduras chủ yếu xuất khẩu cà phê Arabica xanh với tổng khối lượng giảm 2,7% xuống 7,14 triệu bao trong năm 2018. Đức, Bỉ và Mỹ là những thị trường tiêu thụ chủ yếu cà phê của nước này.
Ấn Độ xuất khẩu được 335.936 bao cà phê trong tháng 12/2018, giảm mạnh tới 29,1% so với tháng 12/2017. Tính chung 3 tháng đầu niên vụ 2018 – 2019, nước này xuất khẩu được 1,06 triệu bao, giảm 28,8% so với cùng giai đoạn của niên vụ 2017 – 2018. Lũ lụt kèm theo sạt lở đất trong tháng 8/2018 đã khiến cây cà phê bị tàn phá nghiêm trọng dẫn tới sản lượng cũng giảm theo.
Sản lượng cà phê nước này dự đoán giảm 10,5% xuống 5,2 triệu bao trong niên vụ 2018 – 2019 từ mức 5,81 triệu bao của niên vụ 2017 – 2018. Đây có thể là niên vụ cà phê thứ hai liên tiếp của Ấn Độ ghi nhận sản lượng giảm. Trong năm 2018, lượng cá phê xuất khẩu của nước này giảm 8,8% xuống 5,97 triệu bao.
Điều này phản ảnh sản lượng của niên vụ 2017 – 2018 giảm trong khi nhu cầu tiêu thụ trong nội địa tăng. Italy là thị trường tiêu thụ nhiều cà phê của Ấn Độ nhất chiếm 22% tỉ trọng. Theo sau là các nước Đức (8,1%), Nga (6,2%), Bỉ (5,3%) và Thổ Nhĩ Kỳ (4,6%).
Xuất khẩu cà phê của Uganda trong tháng 12/2018 giảm 18,6% xuống 314.439 bao so với tháng 12/2017, kéo tổng lượng cà phê tiêu thụ của nước này trong 3 tháng đầu niên vụ 2018 – 2019 giảm 11,2% xuống 1,08 triệu bao.
Nông dân trồng cà phê nước này đã găm hàng do giá giảm quá thấp và phải chịu áp lực lớn từ cà phê của Brazil. Cùng lúc đó, sản lượng cà phê ở một số vùng giảm góp phần khiến xuất khẩu giảm theo. Cà phê Uganda xuất khẩu nhiều nhất sang EU với tỉ trọng lên tới 65% trong năm 2018.