Chờ...

Giá cà phê tăng “chóng mặt”, doanh nghiệp xuất khẩu lo không mua được hàng

VOH - Thị trường cà phê trong nước biến động mạnh khi giá tăng từng ngày dù đang vào mùa thu hoạch, tiến sát đỉnh lịch sử là 70.000 đồng/kg. Hiện tượng găm hàng đang diễn ra gây rủi ro cao.
Giá cà phê tăng “chóng mặt”, doanh nghiệp xuất khẩu lo không mua được hàng 1
Ảnh: Anh Thư

Biến động không ngừng

Giá cà phê Robusta kỳ hạn đã thiết lập mức cao mọi thời đại do lo ngại nguồn cung bị chậm trễ vì tuyến đường hàng hải huyết mạch Âu – Á qua kênh đào Suez bị đóng cửa.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 20/12/2023, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Europe – London kỳ hạn giao tháng 1 tăng thêm 47 USD, lên 3.007 USD/tấn. Giá cà phê Arabica trên sàn ICE US – New York kỳ hạn giao tháng 3 ờ mức 190,60 cent/lb.

Giá cà phê trên thị trường toàn cầu đang trải qua những ngày tăng “chóng mặt”. Chỉ trong chưa đầy một ngày, giá cà phê robusta trên sàn London tăng hơn 100 USD/tấn và 2 lần thiết lập kỷ lục mới. So với đầu năm, giá cà phê thế giới tăng 50%.

Thị trường cà phê trong nước biến động mạnh không kém khi giá tăng từng ngày, tiến dần đến mức đỉnh lịch sử thiết lập hồi tháng 7 là 70.000 đồng/kg. Hiện giá đang giao dịch quanh mức 69.600 đồng/kg. Giá cà phê tăng ngay cả khi trong thời gian thu hoạch - thời điểm giá thường chịu áp lực bởi nguồn cung dồi dào.

Giá cà phê tăng “chóng mặt”, doanh nghiệp xuất khẩu lo không mua được hàng 2

Theo nhận định của một doanh nghiệp xuất khẩu cà phê nằm trong top 3 cả nước nhận định tình hình thị trường hiện “rất loạn” và giá hiện tại không phản ánh thực bản chất của ngành.

Tại thị trường nội địa, giá cũng liên tục tăng bởi người dân không chịu bán ra. Khi giá mỗi ngày một tăng, người dân lại càng không muốn bán ra với tâm lý chờ tăng thêm. Tình hình hiện không có biện pháp nào khác, giá cà phê không phản ánh đúng bản chất thị trường bởi đang trong chính vụ, nguồn cung dồi dào.

Ông cho biết ở trên sàn giao dịch, giới đầu cơ lợi dụng thông tin thiếu hụt nguồn cung để đẩy giá lên. Tuy nhiên, mức độ thiếu hụt đến đâu hiện tại vẫn dừng lại ở dự báo. Theo dự kiến của Hiệp hội Cà phê - Cacao Việt Nam, sản lượng cà phê niên vụ 2023 - 2024 ước giảm 10% xuống khoảng 1,6 triệu tấn. Hiện tại, vùng Tây Nguyên đang thu hoạch được khoảng 50% sản lượng.

Găm hàng sẽ dẫn đến rủi ro cao

Thông thường thời điểm này, các nhà rang xay tìm đến Việt Nam để mua hàng vì chỉ duy nhất Việt Nam là có cà phê mới. Tuy nhiên, theo một số doanh nghiệp, các đối tác không chấp nhận mức giá hiện tại. Còn ở phía doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam, nỗi lo hiện tại là không có đủ hàng để giao.

Hiện nay dù các doanh nghiệp có mua trên sàn với giá cao nhưng cũng không có gì đảm bảo rằng họ có thể nhận được hàng. Một số doanh nghiệp FDI  cũng đặt mua trước cà phê từ đầu tháng 11 với giá 53.000 - 58.000 đồng/kg nhưng hiện cũng chưa chắc nhận được hàng theo hợp đồng vì giá tăng.

Theo ý kiến của một Tổng Giám đốc doanh nghiệp xuất khẩu cà phê lớn khác cảnh báo, nếu người dân tiếp tục găm hàng, rủi ro không chỉ đến với các đại lý, doanh nghiệp mà còn lan rộng đến toàn ngành hàng. Các khách hàng có thể tìm đến nhà cung cấp của nước khác để thay thế.

“Trong 3 tháng qua, các công ty nước ngoài bắt đầu rang hàng của Brazil. Nếu người dân tiếp tục giữ hàng, đến tháng 4, 5 năm sau khi hàng Brazil được bổ sung, thì lúc đó hàng Việt Nam sẽ khó bán được. Ít nhất người dân phải bán ra 50% thì mọi thứ mới quay trở lại quỹ đạo bình thường, nếu không thị trường sẽ bị “gãy”, ông cảnh báo. 

Vị này cho hay mặc dù số liệu tồn kho ghi nhận ở trên các sàn thấp nhưng riêng với arabica của Brazil, các thương nhân có thể là người nắm giữ hàng thật với số lượng lớn và chuyển thẳng qua các nhà rang xay.

Ngoài Brazil, hiện tại một số quốc gia Châu Phi cũng bắt đầu bước vào cuộc đua trồng robusta. Điển hình như Uganda. Nước này đang tập trung phát triển cà phê robusta bởi dễ trồng, năng suất cao. Các nhà rang xay cũng bắt đầu dùng hàng của Uganda.

Bên cạnh đó, nếu giá cà phê robusta vẫn tiếp tục tăng cao trong khi giá hạt arabica đang giảm, thì các nhà rang xay có thể quay trở lại sử dụng hạt arabica. Điều này sẽ bất lợi đối với hạt robusta và giá có thể giảm xuống. "Giá cà phê hay nhiều loại nông sản khác một khi đã giảm sau một đợt tăng nóng thì sẽ giảm rất mạnh và sâu",  ông cho biết.

Khả năng giá cà phê sẽ tiếp tục tăng cao đến đầu năm 2024

Theo phân tích của các chuyên gia, giá cà phê kỳ hạn hai sàn đột ngột tăng vọt là do thông tin tuyến hàng hải quốc tế qua kênh đào Suez bị khủng bố Houthi tấn công khiến tuyến vận tải Âu – Á phải chuyển hướng đi vòng qua mũi Hảo Vọng của Nam Phi với chi phí vận chuyển tăng cao trong bối cảnh giá dầu thô có nguy cơ tăng mạnh trở lại trước khả năng OPEC+ cắt giảm sản lượng.

Các thị trường lo ngại về sự sụt giảm sản lượng cà phê Robusta ở khu vực ĐNÁ, với Việt Nam giảm 3,8 triệu bao và Indonesia giảm 2,15 triệu bao, trong khi điều kiện thời tiết khô nóng tại Brasil chưa thực sự cải thiện, mặc dù nhu cầu vẫn ổn định và dữ liệu báo cáo tồn kho của ICE ở mức thấp 24 năm tiếp tục hỗ trợ.

Theo báo cáo mới đây của Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO) cho thấy tồn kho cà phê được chứng nhận trên sàn New York và London tiếp tục theo quỹ đạo đi xuống trong tháng 11. Trong đó, tồn kho cà phê robusta trên sàn London giảm sâu 49,2% so với tháng trước xuống chỉ còn 0,34 triệu bao (loại 60 kg), con số thấp nhất được ghi nhận kể từ tháng 3/2014. Tồn kho cà phê arabica được chứng nhận cũng giảm tới 24,5% xuống mức 0,32 triệu bao.

Tồn kho cà phê robusta trên sàn London và arabica trên sàn New York (Nguồn: ICO, H.Mĩ Việt hoá)

Thông tin thời tiết khô nóng tại các vùng trồng cà phê chính ở miền nam Brazil đe dọa sản lượng vụ mùa sắp tới, kết hợp với suy đoán khả năng Fed không nâng lãi suất USD lên thêm mà có thể bắt đầu chu kỳ cắt giảm lãi suất vào đầu năm tới đã thúc đẩy các quỹ và đầu cơ quay lại các thị trường mua mạnh đã đẩy giá kỳ hạn tăng liên tiếp.Nguồn cung từ Việt Nam và Indonesia tiếp tục bị thiếu hụt trong khi nhu cầu loại cà phê “giàu vị đắng” của thị trường tiêu dùng toàn cầu ngày càng cao.

Bộ phận Nông nghiệp nước ngoài (FAS) trực thuộc Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) báo cáo, nguồn cung cà phê cà phê Robusta cho thị trường tiêu thụ toàn cầu từ các nước sản xuất chính ở khu vực Đông Nam Á có khả năng giảm đã thúc đẩy các quỹ và đầu cơ quay lại thị trường kỳ hạn tăng mua, tuy nhiên, khối lượng chưa nhiều do sự thận trọng từ vấn đề lãi suất tiền tệ.

Tại Việt Nam, FAS ước tính sản lượng niên vụ 2023/2024 sẽ giảm xuống 27,8 triệu bao từ ước tính 31,3 triệu bao hồi tháng 5/2023 do thời tiết không thuận lợi. Ước tính tồn kho gối vụ chuyển sang giảm xuống chỉ còn 390.000 bao thay vì 2,76 triệu bao như ước tính trước đó.

Xuất khẩu cà phê năm 2024 có thể đạt 4,5-5 tỷ USD

Trong niên vụ cà phê 2022/2023 (tính từ tháng 10/2022 đến hết tháng 9/2023), ngành cà phê Việt Nam đã lập kỷ lục xuất khẩu hơn 4 tỷ USD, dù sản lượng giảm.

Theo số liệu Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong tháng 11/2023 đạt 80 nghìn tấn, trị giá 252 triệu USD, tăng 83,0% về lượng và tăng 59,9% về trị giá so với tháng 10/2023, so với tháng 11/2022 giảm 37,9% về lượng và giảm 17,5% về trị giá.

Tính chung 11 tháng của năm 2023, xuất khẩu cà phê của Việt Nam ước đạt xấp xỉ 1,38 triệu tấn, trị giá 3,54 tỷ USD, giảm 12,9% về lượng và giảm 2,5% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. Giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam trong 11 tháng ước đạt mức 2.570 USD/tấn, tăng 11,9% so với cùng kỳ năm 2022. Trong khi xuất khẩu cà phê Robusta và Arabica giảm so với cùng kỳ năm 2022, nhưng xuất khẩu cà phê Excelsa và chế biến tăng.

Do sản lượng giảm cộng với nhu cầu tiêu thụ trong nước tăng lên, dự kiến lượng cà phê xuất khẩu của Việt Nam trong niên vụ 2023/2024 sẽ tiếp tục giảm, xuống còn khoảng 1,4 triệu tấn. Tuy nhiên, do giá cà phê tiếp tục tăng cao nên khả năng kim ngạch xuất khẩu sẽ thiết lập kỷ lục mới, đạt 4,5 - 5 tỷ USD.

Nhiều chuyên gia đầu ngành dự báo giá cà phê xuất khẩu của nước ta được cho là duy trì ở mức cao, thậm chí có thể lập đỉnh mới trong năm 2024 do những lo ngại về nguồn cung cà phê toàn cầu. Dự báo xuất khẩu có thể thu về từ 5 tỷ USD vào năm 2024.