Thói quen mua hàng qua mạng hình thành nhanh chóng và được duy trì từ thời điểm nhiều nơi giãn cách xã hội, kênh mua sắm truyền thống là chợ nhiều nơi phải đóng cửa. Thói quen khác là không dùng tiền mặt đã phổ biến hơn ở một bộ phận người tiêu dùng.
Sau thời gian việc mua sắm ít nhiều bị hạn chế, một số chuyên gia phân tích thời gian này hình thành 2 kiểu hành vi mua sắm trái ngược nhau: mua sắm bù đắp khoảng thời gian dài không chi tiêu trước đó (người tiêu dùng mua sắm nhiều hơn) và mua sắm tiết kiệm (nhiều người bị ảnh hưởng thu nhập, hình thành thói quen thắt chặt chi tiêu, tập trung vào các mặt hàng cần thiết và mức chi phí hợp lý dự phòng chi phí khi dịch bệnh vẫn phức tạp).
Trước hai xu hướng này, dịp cuối năm các nhà bán hàng, các sàn thương mại điện tử đều nỗ lực mở nhiều khuyến mãi giảm giá.
Chị Hòa (quận Tân Phú) cho biết thời điểm này giá các sản phẩm trang trí nội thất nhập về đều tăng giá từ 5 – 15% do chi phí vận chuyển tăng, giá nguyên liệu tăng… .nhưng giá bán ra lại giảm. Chị và nhiều người bán hàng trực tuyến đang phải chấp nhận việc giảm lợi nhuận để duy trì sức mua tốt trong thời điểm người mua hàng không mấy “thoải mái” trong chi tiêu hàng không thiết yếu.
Thời điểm này, các siêu thị đều đã chuẩn bị nguồn hàng phục vụ nhu cầu tiêu dùng dịp cuối năm và đón năm mới.
Thông lệ các mặt hàng cơ bản như hàng tươi sống, thực phẩm thiết yếu và một số mặt hàng có tính thời vụ như bánh kẹo, bia, nước giải khát, rượu… là những mặt hàng được chuẩn bị đa dạng, phong phú.
Năm nay, thực phẩm làm đẹp, thực phẩm giảm cân và thực phẩm bổ trợ…. được xem là sản phẩm người tiêu dùng có nhu cầu tăng lên. Sản vật vùng miền cũng là quà tết được nhiều người ưa chuộng./.