Hiệp hội Mì ăn liền Thế giới (WINA) vừa công bố thống kê nhu cầu về mì ăn liền toàn cầu năm 2019 tăng 3,45% so với năm trước đó nhưng con số này năm 2020 đã tăng 14,79% so với năm 2019. Dễ hiểu, điều này là do nhu cầu sử dụng của người tiêu dùng tăng mạnh dưới tác động của dịch COVID-19.
Trong công bố của WINA, nhu cầu mì ăn liền của Việt Nam đang đứng thứ 3 thế giới với lượng tiêu thụ năm 2020 tăng 29,47% so với năm 2019. Còn khảo sát mới nhất của công ty nghiên cứu thị trường Nielsen Việt Nam cho thấy tỷ lệ tiêu thụ mì ăn liền trong bối cảnh dịch bệnh gia tăng 67%.
Sự bùng phát của đại dịch COVID-19 đã dẫn đến các biện pháp đóng cửa biên giới, giãn cách xã hội của các nước trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Do vậy một bộ phận không nhỏ người tiêu dùng chuyển sang tự nấu ăn và dự trữ thực phẩm khô trong thời gian dài, trong đó mì tôm luôn là lựa chọn của số đông.
Tại thành phố Hồ Chí Minh, hiện giá mì tôm tại các điểm bán nhỏ, lẻ tăng giá khá nhiều. Chẳng hạn mì tôm Hảo Hảo giá có lúc lên tới 125.000 đồng/ thùng, trong khi thời điểm năm 2020 giá bán lẻ tại các cửa hàng, tiêm tạp hóa chỉ khoảng 100.000 đồng/ thùng. Mì miliket giá 85.000 – 95.000 đồng/thùng, kokomi 100.000 – 110.000 đồng/thùng.
Hiện tại nước ta có khoảng 50 doanh nghiệp sản xuất mì ăn liền. Thị trường còn có sự góp mặt của khá nhiều thương hiệu quốc tế. Nhìn từ góc độ người tiêu dùng, việc này đem lại nhiều sự lựa chọn cho người tiêu dùng cả về chủng loại và giá cả mặt hàng.