Chị Hạnh (quận Bình Thạnh) cho biết thời gian thành phố phòng chống COVID-19, chị đã mua thực phẩm thiết yếu, các sản phẩm quần áo, dụng cụ học tập cho con… trực tuyến và dần trở thành thói quen. Việc thanh toán, giao nhận hàng ngày càng tiện lợi và nhanh chóng hơn.
Chị Thu Hà (quận Bình Tân) có hơn 7 năm kinh nghiệm trong việc kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử cho biết khách hàng ngày càng quan tâm việc mua online hơn cả offline. Sản phẩm để được khách hàng tin chọn cần sinh động với hình ảnh, clip thật, tư vấn, chăm sóc khách hàng tốt. Cơ hội phát triển trong kinh doanh thương mại điện tử là rất lớn nhưng cạnh tranh cũng ngày càng tăng vì số lượng hộ gia đình/doanh nghiệp bán hàng gia tăng, canh tranh giá và các chính sách khuyến mãi ngày càng lớn.
Theo nghiên cứu được ủy quyền bởi FedEx Express, có tên "What’s Next in E-Commerce", Việt Nam là nước đứng đầu trong 11 quốc gia khu vực châu Á - Thái Bình Dương về mức độ lạc quan đối với tương lai và sự phát triển của ngành thương mại điện tử.
Kết quả nghiên cứu cho thấy 9/10 người tiêu dùng Việt Nam cho biết đã mua hàng trên các sàn thương mại điện tử nhiều hơn trong 3 năm qua. 87% trong số khách hàng dự đoán hình thức này sẽ chiếm tỉ trọng ngày càng lớn trong tổng chi tiêu cho mảng bán lẻ của họ trong 3 năm tới.
Có 94% doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam và 87% người tiêu dùng tin rằng tương lai của ngành này còn rất nhiều cơ hội để phát triển.
Theo Sách trắng Thương mại điện tử Việt Nam 2022, quy mô thị trường thương mại điện tử bán lẻ tại Việt Nam được dự đoán sẽ đạt 16,4 tỉ USD trong năm nay, tăng gấp đôi so với năm 2017.
Số người mua sắm trực tuyến tăng từ 33,6 triệu người vào năm 2017 lên 54,6 triệu người vào năm 2021. Giá trị mua sắm của một người cũng tăng từ 186 lên 251 USD sau 5 năm.
Báo cáo kinh tế số của Google khi khẳng định thương mại điện tử Việt Nam giai đoạn 2020-2025 tăng trên 30%. Đến năm 2025, giá trị của nền kinh tế số Việt Nam 57 tỷ USD trong đó thương mại điện tử chiếm 39 tỷ USD. Đến năm 2030 nền kinh tế số Việt Nam có thể đạt 220 tỷ USD, trong đó thương mại điện tử chiếm khoảng 150 tỷ USD.