Khi dịch bệnh COVID-19 phức tạp, tại nhiều địa phương, mua sắm trên mạng, nhận hàng tận nhà dần trở thành thói quen của nhiều người. Kéo theo đó, việc hạn chế dùng tiền mặt cũng phổ biến hơn. Theo thống kê của Shopee, năm 2021 số lượng nhà bán hàng trên nền tảng này tại khu vực lân cận các đô thị lớn tăng trưởng 70% so với năm 2020, còn số lượng người dùng ở các khu vực này cũng tăng 40%.
Còn theo Báo cáo Nền kinh tế số Đông Nam Á do Google, Temasek và Bain & Company công bố, từ khi bắt đầu đại dịch đến nửa đầu năm 2021, Việt Nam đã có thêm 8 triệu người tiêu dùng kỹ thuật số mới và trong đó hơn một nửa đến từ các khu vực không phải thành phố lớn. Trước đó, một báo cáo của Lazada cho thấy năm 2021, có 58% người tiêu dùng Việt cho rằng họ sẽ tiếp tục mua sắm hàng bách hoá trên nền tảng thương mại điện tử bởi sự tiện lợi và thói quen này sẽ vẫn duy trì với 53% thừa nhận rằng mua hàng bách hóa trực tuyến đã trở thành một phần trong cuộc sống của họ.
Hiện, số người bán ở các tỉnh thành ngoài các thành phố lớn cũng gia tăng không ngừng. Các sàn thương mại cũng tăng vận chuyển một số loại sản phẩm như nông sản, thực phẩm, cây xanh…. Trong thời gian gần đây. Tiktok cũng vừa tham gia vào thị trường mua sắm trực tuyến và nhanh chóng thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng, đặc biệt là giới trẻ
Tuy nhiên, thời gian gần đây nhiều người gặp khó do việc nhập hàng từ Trung Quốc liên tục bị đứt đoạn, do chính sách phòng chống COVID-19 của nước bạn. Chị Hồng (quận Bình Tân) cho biết có những sản phẩm đang trên đà bán chạy thì đứt hàng, có khi đến vài tháng mới nhập hàng lại được, thì nhu cầu thị trường cũng như mức độ hiển thị sản phẩm đó của shop trên sàn không còn tốt nữa. Cạnh tranh các sản phẩm nông nghiệp về cây giống, cây cảnh, nông sản… giữa các tỉnh thành giá tốt hơn ở thành phố cũng là bài toán nhiều người bán hàng trực tuyến phải tính đến.